Ngành Y và những sai sót chết người: Lỗi cá nhân hay lỗi hệ thống?

01-04-2014 07:29 | Phòng mạch online

Những năm qua, ngành Y là một trong những ngành chịu nhiều tai tiếng nhất với những tai biến sản khoa, mổ nhầm, điều trị gây biến chứng, tử vong vì vắcxin…

Những năm qua, ngành Y là một trong những ngành chịu nhiều tai tiếng nhất với những tai biến sản khoa, mổ nhầm, điều trị gây biến chứng, tử vong vì vắcxin… Ngoài những vụ việc được các cơ quan truyền thông đại chúng đăng tải, còn thì một số vụ khác chìm vào im lặng do người bệnh hoặc thân nhân và bác sĩ, bệnh viện tự dàn xếp với nhau…

1. "Khác với thợ may, nếu may hỏng một chiếc áo thì vẫn có thể mua miếng vải khác về may lại. Còn trong y khoa, một sai sót dù nhỏ cũng có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng suốt đời mà người thầy thuốc không bao giờ có thể sửa chữa được…", bác sĩ Nguyễn, giảng viên Đại học Y Dược TP HCM khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề tai biến trong điều trị, đã nói.

Những sai sót ấy có thể là truyền nhầm nhóm máu, chỉ định thuốc sai chủng loại, liều lượng, xử trí không chính xác hoặc xử trí chậm, chẩn đoán sai, nhầm lẫn họ tên người bệnh dẫn đến điều trị không đúng bệnh lý…

Bác sĩ Nguyễn nói tiếp: "Trong phẫu thuật, một y cụ bỏ quên trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ gấp 20 lần. Nhưng không nên hiểu hai chữ "y cụ" ở đây là kéo, kẹp hoặc các dụng cụ khác, mà lắm khi chỉ là một miếng gạc. Sai sót ấy có thể gây tử vong nếu không phát hiện sớm, hoặc gây biến chứng, làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân" mà cụ thể là tại Bệnh viện (BV) T., bệnh nhân P., 44 tuổi, ở quận Tân Phú, TP HCM đã được các bác sĩ mổ lấy ra một miếng gạc bị "bỏ quên" trong ổ bụng từ lần phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa ở một BV khác cách đó 8 tháng.

Một bác sĩ tham gia ca mổ cho biết: "Do sót gạc, bệnh nhân bị viêm phúc mạc, vết mổ không lành, liên tục xì mủ, gây đau đớn suốt một thời gian dài". Sau khi lấy cái "của nợ" ấy ra rồi rửa sạch ổ bụng, điều trị kháng sinh, hồi sức tích cực, anh P. đã bình phục.

Một vụ khác: Cụ ông Võ Tấn Phấn, SN 1916, ở huyện Tịnh Biên, An Giang, bị u xơ tuyến tiền liệt. Vào BV C., TP HCM, cụ được chỉ định cắt đốt nội soi bằng phương pháp gây tê. Cũng tại thời điểm này, một bệnh nhân khác là ông Neang Phan, Việt kiều Campuchia, sinh năm 1938, bị u phổi, được chỉ định đặt stent để nong phế quản phổi và thủ thuật này cần phải gây mê. Khi kỹ thuật viên gây mê gọi tên ông Phan thì cụ Phấn, do tuổi cao, đã nghe nhầm nên cụ mau chóng theo kỹ thuật viên vào phòng mổ.

Trong lúc cụ đang được gây mê thì ở phòng mổ khác, các bác sĩ tham gia ca cắt đốt nội soi cho cụ Phấn, tỏa ra tìm cụ vì chẳng biết cụ ở đâu. Tới chừng phát hiện thì cụ Phấn đã rơi vào tình trạng ngưng thở, không đo được mạch và huyết áp. May mắn là sau gần một giờ cấp cứu, cụ đã… hồi dương mà lẽ ra, tai biến này hoàn toàn có thể tránh được nếu kỹ thuật viên gây mê "chịu khó" đối chiếu hồ sơ bệnh án!

Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng may mắn như cụ Phấn. Một sản phụ tên Tr., 37 tuổi, cư trú tại đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 5, TP HCM khi mang song thai đến tuần thứ 35 thì thấy mệt và khó thở nên đã được gia đình chở đến BV Đ.D, TP HCM. Khoảng hơn 10 phút sau, BV thông báo chị Tr. đã tử vong.

Theo gia đình sản phụ, lần khám thai cuối cùng tại BV Hùng Vương, bác sĩ Võ Thị Tuyết Mai - người khám trực tiếp - khẳng định thai bình thường và không có các nguy cơ cao.

Các bác sĩ đang giải thích nguyên nhân tử vong cho người nhà bệnh nhân.

Chồng chị Tr. cho biết: "Khi đưa vợ vào BV, tôi chỉ thấy duy nhất một điều dưỡng đang trực tại khoa cấp cứu. 5 phút sau, mới thấy 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ đến khám cho vợ tôi". Lúc biết tin vợ chết, chồng chị Tr. vẫn hy vọng cứu được 2 đứa con trong bụng vợ nhưng theo lời anh, phải mất hơn 15 phút nữa, BV mới chuyển vợ anh qua BV Phụ sản Hùng Vương để mổ bắt con nhưng khi đến nơi thì đã muộn.

2. Những tai biến ấy nói lên điều gì? Các khảo sát lâm sàng đã đánh giá mức độ tai biến: Một là tai biến nặng, đòi hỏi phải cấp cứu hoặc phải can thiệp lớn về nội khoa hoặc ngoại khoa, gây mất chức năng cơ thể vĩnh viễn hoặc tử vong. Hai là tai biến trung bình, phải kéo dài thời gian nằm viện để điều trị, ảnh hưởng đến chức năng cơ thể. Ba là tai biến nhẹ, tự hồi phục, điều trị tối thiểu hoặc không cần điều trị và bốn là suýt gây tai biến, có khả năng gây nguy hại cho bệnh nhân nhưng không xảy ra do may mắn, do hành động sửa chữa hoặc can thiệp kịp thời.

Trong 4 loại tai biến này, các khảo sát đã chỉ ra lỗi của đội ngũ y, bác sĩ. Đó là vì áp lực công việc, bác sĩ phải quyết định nhanh, thậm chí chỉ định miệng, BV quá tải, thiếu nhân lực, thông tin giữa người bệnh và bác sĩ trực tiếp điều trị không rõ ràng, trang thiết bị không đồng bộ, sử dụng những phương pháp chẩn đoán, điều trị có mức an toàn thấp, môi trường làm việc gây ra hiện tượng thiếu tập trung, chưa kể thái độ thờ ơ, tắc trách và thiếu kinh nghiệm của bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng.

Một trường hợp cụ thể: Bệnh nhân Nghiêm Bình Minh, SN 1946, cư ngụ tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, vào BV C. với chẩn đoán bị áp xe cạnh cổ, được chỉ định mổ dẫn lưu dịch, mủ. Khi đang mổ, phẫu thuật viên phát hiện máu của bệnh nhân chuyển sang màu tím đen nên đã báo động. Lúc này, bộ phận gây mê mới biết ống nội khí quản tuột khỏi khí quản bệnh nhân nhưng chẳng ai hay. Do tuột ống nội khí quản nên bệnh nhân thiếu oxy, dẫn đến tim ngừng đập và chết ngay trên bàn mổ.

Một trường hợp khác: Bệnh nhân nữ, tên Th., có tiền sử hẹp hở van tim hậu thấp - là biến chứng của bệnh thấp tim - đã từng điều trị ở BV C. và đã được chỉ định nong van nhưng chưa tiến hành vì bệnh nhân có huyết khối ở tâm nhĩ trái. Trong thời gian chờ nong van tim, bệnh nhân được kê đơn thuốc chống đông để ngăn ngừa tai biến nhồi máu - đặc biệt là nhồi máu não do cục máu đông. Sau đó, khi tái khám và khi xác định không còn huyết khối trong tâm nhĩ nữa, bệnh nhân được chỉ định nong van.

Tuy nhiên, trong thời gian nằm viện để chuẩn bị nong, các bác sĩ đã ngưng sử dụng thuốc kháng đông trong 5 ngày liên tiếp. Hậu quả là bệnh nhân bị nhồi máu não, gây liệt nửa người bên trái, liệt mặt phải, phát âm không rõ lời. Toàn bộ các sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào sự trợ giúp của thân nhân.

Theo người nhà bệnh nhân thì khi bị đau đầu dữ dội, thấy bác sĩ phụ trách đi ngang, chị Th. đã báo với bác sĩ nhưng vị bác sĩ này không giải thích gì, chỉ lấy tay vẽ vào không khí một vòng (?!). Sau đó, hỏi một bác sĩ khác về tình trạng này thì được trả lời rằng: "Việc tai biến là chuyện không tránh khỏi, chỉ có vấn đề thời gian mà thôi. Nếu không bị tai biến ở BV thì cũng bị ở nhà". Đến lúc đã bị tai biến, chị Th. ú ớ hỏi là có thể bình phục được không? Một lần nữa bác sĩ lại lấy tay chỉ lên trời, nói: "Ý tôi nói là chị có bình phục hay không là hỏi trời đó! Tôi chỉ tay lên trên là ý chỉ ông trời".

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: