Kế thừa, phát huy sự nghiệp của Đại danh y
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, nổi tiếng khoa bảng. Ông nội, bác ruột, cha và các chú, anh em đều đỗ đạt cao, từng giữ nhiều trọng trách trong triều.
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, ông thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân lao động nghèo khổ, đói rét, loạn lạc, bệnh tật. Năm 1746 ông về quê ở Hương Sơn nuôi mẹ và học nghề thuốc.
Hơn 40 năm ẩn cư, mặc dù tự nhận mình là "Lãn Ông" – ông già lười, nhưng thật sự đó là những năm tháng lao động, làm việc cần cù nhất, tâm huyết nhất và cũng đầy sức sáng tạo.
Trong con đường nghiên cứu y học của mình, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã sưu tầm, phát hiện ra 305 vị thuốc nam, sưu tầm, thu thập 2.854 phương thuốc kinh nghiệm. Tất cả được lưu lại trong bộ sách Hải Thượng Y tông Tâm lĩnh gồm 66 quyển.
Kế thừa sự nghiệp của Đại danh y, thời gian qua, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Hà Tĩnh đã sử dụng 156 vị thuốc, bào chế hàng chục bài thuốc phục vụ công tác chăm sóc và chữa bệnh cho nhân dân trong toàn tỉnh. Riêng năm 2018, Bệnh viện YHCT đã đón gần 10 nghìn lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, trong số đó có hơn 5.500 bệnh nhân điều trị nội và ngoại trú, sử dụng khoảng 18 tấn dược liệu.
Bác sĩ Bùi Mai Hương - Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã và đang phát triển bệnh viện theo hướng điều trị chuyên sâu, ứng dụng và kết hợp y học hiện đại vào công tác khám chữa bệnh nhưng vẫn giữ vững và phát huy thế mạnh của y học cổ truyền trong điều trị.
"Chúng tôi xây dựng nhiều bài thuốc nam bằng nguồn dược liệu sẵn có trên địa bàn để làm phong phú các bài thuốc quý trong chữa bệnh nhằm thực hiện tốt phương châm "Nam dược trị nam nhân". Tại bệnh viện các bệnh thường gặp và điều trị có hiệu quả nhất là các bệnh về xương khớp, di chứng chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, đau thần kinh tọa, thần kinh vai gáy, liệt thần kinh VII ngoại biên, viêm đại tràng, u xơ tiền liệt tuyến, sỏi tiết niệu, viêm thận, suy nhược cơ thể", bác sĩ Hương thông tin.
Bệnh nhân Nguyễn Xuân Ngọ (68 tuổi, trú xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang điều trị tại Khoa Nội - Nhi cho biết, ông bị đau vai gáy, đau lưng kèm đau thần kinh tọa, đau tay, khớp cứng tay không dơ lên được. Ông đã điều trị bằng nhiều phương pháp, tuy có đỡ nhưng được một thời gian lại tái phát.
"Cách đây 2 tuần, tôi nhập viện điều trị tại Bệnh viện YHCT Hà Tĩnh. Tại đây các bác sỹ dùng phương pháp điều trị như châm cứu, dùng thuốc nam, chỉ hơn 1 tuần bệnh tình đỡ rất nhiều, tay có thể dơ lên bình thường", bệnh nhân Ngọ chia sẻ.
Không chỉ BVYHCT Hà Tĩnh là đơn vị đầu ngành về điều trị bằng y học cổ truyền, tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố và 216 trạm y tế xã đều có bộ phận khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền và được phê duyệt danh mục kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh bằng YHCT.
Khoa Y học cổ truyền - Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn, mỗi năm tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân, với các bệnh về cơ xương khớp, bệnh thần kinh ngoại biên, các di chứng của bệnh tim mạch và sau chấn thương , sau phẫu thuật ngoại khoa. Phát huy tốt các bài thuốc YHCT thừa kế cũng như phác đồ điều trị của Bộ Y tế kết hợp các kỹ thuật như châm cứu , xoa bóp bấm huyệt , xông hơi thuốc.
Trạm Y tế xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn là một trong nhiều đơn vị phát huy được hiệu quả của điều trị bằng YHCT tại tuyến xã.
Bà Lê Thị Liên (50 tuổi, thôn Đồng Tiến, xã Quang Diệm) chia sẻ, bà bị thoát vị địa đệm cách đây 5 năm và đã đi điều trị nhiều nơi. Tuy có thuyên giảm nhưng được một thời gian bệnh bà lại tái phát. "Gần đây tôi cảm thấy đau lại và đến Trạm Y tế để điều trị tiếp. Tại đây, tôi được cán bộ phụ trách điều trị YHCT tiến hành châm cứu, giác hơi và dùng thuốc đông y nên đỡ đau và đi lại được bình thường", bà Liên cho hay.
Y sĩ Nguyễn Thị Lý – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Diệm cho biết, những năm qua đơn vị luôn bảo tồn vườn cây thuốc nam của trạm. Cán bộ phụ trách công tác YHCT của Trạm luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các phương thuốc, phương thức chữa trị của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông để lại.
Bác sĩ Nguyễn Đình Dũng - Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển YHCT trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, như thiếu cơ chế chính sách cho khám chữa bệnh YHCT tại tuyến xã; việc xã hội hóa, thu hút đầu tư vào phát triển lĩnh vực YHCT còn hạn chế…
"Để phát huy tinh hoa YHCT, cần có cơ chế chính sách thu hút đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ cao. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện khám, chữa bệnh YHCT tại các cơ sở y tế. Đồng thời, quy hoạch các vùng trồng dược liệu chủ đạo, bảo tồn và phát triển các nguồn gen dược liệu quý trên địa bàn tỉnh, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh
Những ngày này, khi Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vưad được UNESCO vinh danh, miền quê Hương Sơn như trở nên tươi thắm hơn trong niềm hân hoan của người dân. Những câu chuyện bên bàn nước của người dân xã Quang Diệm, mọi người lại nhắc nhớ về những ân tình, y đức của "Ông già lười Hải Thượng" dành cho quê hương mình.
Họ tự hào bởi cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y như một viên ngọc quý được mài giũa không hề gợn một vết bụi trần chói sáng giữa không gian lịch sử gian khó. Hào quang ấy đã và đang tỏa sáng xuyên qua các thế kỷ hậu thế.
Bà Đinh Thị Minh (SN 1954, ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) chia sẻ, bà tự hào được là con dâu của dòng họ Lê. Khi bà sinh ra, cụ Lê Hữu Trác đã đi xa nhưng vẫn thường được nghe những câu chuyện của ông cha kể lại về cụ với nhiều niềm yêu kính.
"Tôi nhớ như in câu chuyện khiến người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau mãi. Cụ cứu đứa bé nhà nghèo bị bệnh đậu mùa, con một người làng chài trên sông Ngàn Phố. Hay chuyện cụ ưu tiên đến nhà cứu người dân nghèo trước thay vì một gia đình quyền quý, khi cả 2 cùng mời đến chữa bệnh một lúc. Bởi ông cho rằng, đều là tính mạng con người bình đẳng như nhau, cho dù người nghèo không có tiền nhưng bệnh nặng hơn, cần kíp hơn phải cứu trước. Tất cả những câu chuyện về cụ khiến chúng tôi rất tự hào và ghi nhớ trong lòng", bà Minh kể.
Anh Lê Hữu Dũng (cháu đời thứ 17 của cụ Lê Hữu Trác) cho hay, khi nhận tin Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông được UNESCO vinh danh anh rất vui mừng và tự hào. "Tôi tự hào vì dòng họ mình đã sinh ra một Đại danh y. Đây là một động lực lớn cho con cháu phát huy những y đức, tài năng, góp sức cho xã hội", anh Dũng chia sẻ.
Ông Trần Anh Nam, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hương Sơn cho biết, để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại, thời gian qua, huyện Hương Sơn đã không ngừng nỗ lực bảo vệ, tôn tạo khu di tích đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá về thân thế, sự nghiệp của Đại danh y trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong trường học...
"Là người con sống trên mảnh đất Hương Sơn, nơi cụ Lê Hữu Trác sinh sống hơn nửa đời người bản thân tôi cảm thấy rất tự hào. Việc UNESCO vinh danh cụ người dân trên quê hương chúng tôi đã chờ đợi từ rất lâu, khi tiếng gõ búa của bà Audeey Azoulay thông qua cả người dân Hương Sơn đã vỡ òa vì hạnh phúc. Thời gian tới chúng tôi sẽ lan tỏa các giá trị di sản của cụ đã để lại, để nhiều người biết về cuộc đời và sự nghiệp của cụ hơn", ông Nam nói.
Cuộc đời của Đại danh y Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông thật xứng đáng là người đã dựng "ngọn cờ đỏ thắm" trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo.