Ngành y tế vượt khó sau đại dịch COVID-19

22-01-2023 08:38 | Y tế

SKĐS - Năm 2022 khép lại, ngành Y tế đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Đến nay, toàn ngành Y tế cơ bản hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao.

Nhân dịp năm mới Tết Quý Mão, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có cuộc trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống về những kết quả ngành Y tế đã đạt được trong năm qua, cũng như những nhiệm vụ ngành sẽ triển khai trong thời gian tới…

Ngành y tế vượt khó sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Tư liệu

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả của ngành Y tế trong năm qua?

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Năm 2022 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thử thách đối với công tác y tế. Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn khó lường, khó dự đoán. Trong nước dịch sốt xuất huyết gia tăng, thường trực nguy cơ xâm nhập của một số dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi. Trong khi đó, ngành Y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để; đặc biệt là sau khoảng 3 năm chống dịch COVID-19 lại phát sinh thêm nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác y tế tại các cấp. Ngành Y tế đã nỗ lực vượt qua thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần vào thành công chung của đất nước. Cụ thể:

Ngành Y tế đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao, đạt 11,1 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân, 92,03% dân số tham gia BHYT; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao.

Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và từng bước hoàn thiện, trong đó có nhiều chính sách, định hướng quan trọng trong phát triển ngành Y tế. Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tập trung xây dựng trình Chính phủ Luật Dược (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Dân số, Luật chuyển đổi giới tính, các nghị định, nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực tổ chức cán bộ, khám chữa bệnh, quản lý thuốc, trang thiết bị, bảo hiểm y tế... đồng thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của ngành.

Kiểm soát tốt dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, nguy hiểm mới nổi. Cả nước chuyển sang giai đoạn thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19 ở mức cao; số ca mắc, tử vong do COVID-19 giảm mạnh  từ tháng 4/2022 đến nay, có tuần không ghi nhận ca tử vong. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch; kịp thời phát hiện, điều trị sớm 2 ca bệnh đậu mùa khỉ, không để lây lan ra cộng đồng.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Triển khai khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng, ban hành danh mục giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dịch vụ.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang từng bước được giải quyết. Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan để đề xuất, sửa đổi bổ sung các quy định, văn bản liên quan đến công tác mua sắm đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán bảo hiểm y tế. Đồng thời chỉ đạo tập trung đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế.

Tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trong đó xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đó đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề từ mức 40%-70% lên 100%.

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý môi trường y tế, phòng, chống HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm….; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Y tế. 

Ngành y tế vượt khó sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan (đứng giữa) thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Trần Minh

PV: Vâng, bên cạnh những kết quả ấn tượng nêu trên, ngành Y tế còn có những khó khăn, thách thức nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với ngành Y tế đã chỉ ra 14 nhóm vấn đề mà ngành tập trung thời gian tới. Bên cạnh đó, yêu cầu của Đảng, Nhà nước đối với ngành là rất lớn; kỳ vọng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách hiện hành và nguồn lực triển khai chưa đáp ứng đầy đủ; những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong khoảng 3 năm vừa qua vẫn còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên y tế. Một số vấn đề tồn tại, hạn chế cụ thể cần tập trung giải quyết như:

Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, xã hội hoá, tự chủ, quản trị bệnh viện công; giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, ngân sách Nhà nước chi cho y tế và bảo hiểm y tế trong tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người còn  thấp. Tỷ lệ chi tiền túi hộ gia đình vẫn còn cao. Quỹ Bảo hiểm y tế có nguy cơ mất cân đối do mức đóng thấp. Nguồn kinh phí dành cho y tế còn thiếu chưa đáp ứng đủ yêu cầu nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực dân số thay đổi cách thức tổ chức thực hiện.

Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ tại các cơ sở y tế công lập; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Tồn đọng hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế. 

Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số ca mắc gia tăng. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở một số địa bàn chưa bảo đảm, nhất là ở một số vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. 

Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra.

Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cũng đã giải quyết được một phần, nhưng còn chưa triệt để. Công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế.

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu…

PV: Thưa Bộ trưởng, trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Bộ trưởng sẽ ưu tiên cho công việc nào để người dân hài lòng hơn nữa và thêm tin tưởng vào ngành Y tế cùng đội ngũ y, bác sĩ? 

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Năm 2023, Bộ Y tế sẽ tập trung giải quyết cả những tồn tại trước mắt và những vấn đề mang tính lâu dài để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 20, 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Cụ thể:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế, các dự án luật. Trước mắt, tập trung trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn luật; nghiên cứu sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế…; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản theo thẩm quyền.

Thứ hai, tập trung công tác phòng chống dịch bệnh; đổi mới y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe. Tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19, không để dịch bùng phát trở lại, không để "dịch chồng dịch"; duy trì, thực hiện hiệu quả Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Tăng cường năng lực giám sát và dự báo dịch bệnh, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; làm tốt công tác an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế. Đổi mới công tác dân số và phát triển.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu; phát huy lợi thế y học cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại. Sớm ban hành Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.

Thứ tư, từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc; các đơn vị cấp khu vực, vùng. Xây dựng, hoàn thiện các Quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Y tế trong thời gian tới; trong đó có Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó triển khai các giải pháp phát triển nhân lực y tế, đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất các chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế.

Thứ năm, rà soát giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, giải quyết các vướng mắc trong xã hội hóa, đổi mới phương thức chi trả; đổi mới cơ chế tài chính y tế dự phòng, hoàn thiện Gói dịch vụ y tế cơ bản. Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp.

Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số. Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, nhất là trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, tranh thủ sự đồng thuận của toàn xã hội.

Ngành y tế vượt khó sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (bên trái) và Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương (bên phải) trò chuyện với cán bộ y tế đang công tác tại Trạm y tế xã Ea Bar huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: Thái Bình

PV: Năm mới đã đến, Bộ trưởng có mong muốn điều gì cho ngành Y tế và công tác chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khoẻ nhân dân?

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Như tôi đã đề cập ở trên, ngành Y tế còn nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023. Tuy nhiên, năm 2023 cũng mở ra những cơ hội để chúng ta nhận thức rõ hơn những khiếm khuyết, tồn tại, hạn chế của ngành, là thời cơ để đổi mới, tạo ra những bước đột phá mới.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ "Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt". Trong thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hơn nữa của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương; sự chia sẻ và đồng thuận của người dân trong triển khai các chủ trương, chính sách của ngành; để ngành Y tế phát triển nhanh, bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Nhân dịp này, tôi cũng mong muốn và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành; đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức; nâng cao y đức, rèn luyện chuyên môn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; để mỗi bệnh viện, cơ sở y tế, mỗi người cán bộ y tế thực sự là những hy vọng, niềm tin, mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho nhân dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Thái Bình
Ý kiến của bạn