Ngành y tế vượt chỉ tiêu về số giường bệnh và tỉ lệ dân số tham gia BHYT

19-01-2018 10:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 19/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành y tế năm 2018 và Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu các tỉnh, quận, huyện, thị xã, thành phố với khoảng trên 12.000 đại biểu của cả nước tham dự.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương ngành y tế trong năm 2017 đã có rất nhiều cố gắng nỗ lực và cần kế thừa, phát huy để có những bước tiến căn bản trong năm 2018.

Điểm lại năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng “dù còn việc này, việc khác” nhưng ngành y tế đã nỗ lực hành động, làm tới cùng một số việc và đạt được kết quả toàn diện. Chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của cán bộ, y tế ở các bệnh viện, các tuyến nâng lên một bước rõ rệt. Trong nhận thức, hành động, ngành y tế đã làm nhiều việc để y tế dự phòng, y tế cơ sở tiến tới thực sự làm đúng vai trò, để y tế chuyên sâu và y tế dự phòng phát triển đều nhau. Với cố gắng, quyết tâm của Bộ Y tế cùng với Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính, giá dịch vụ y tế dần dần được đưa vào, danh mục các gói dịch vụ y tế cơ bản đã được ban hành.

Hoạt động đấu thầu thuốc tập trung ở cấp quốc gia mới được hơn 10 loại hoạt chất nhưng đã giảm giá thuốc từ 17% đến trên 20%.

“Tới đây chúng ta phải mở rộng phạm vi đấu thầu, hình thành cơ chế để áp dụng với các biệt dược đã hết thời hạn bảo hộ, vật tư y tế”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định “những kết quả của ngành y tế có sự phối hợp của các bộ ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, chuyên gia quốc tế, đặc biệt sự vào cuộc nhiệt tình của Tổng hội Y học Việt Nam”.

“Năm 2018, Bộ Y tế, ngành y tế, từng cơ sở y tế cần nghĩ thật kỹ, viết ra thật cụ thể từng việc phải làm để thực hiện phương châm 10 chữ của Chính phủ là ‘Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả’. Đừng nói chung chung”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và nêu ví dụ trong xây dựng mô hình y tế cơ sở cần phát huy sáng tạo tuỳ điều kiện cụ thể của địa phương không cứng nhắc, máy móc có vậy mới hiệu quả.

“Không phải tới đây các trạm y tế xã, phường làm chung một mẫu giống nhau mà tùy điều kiện, khả năng của từng nơi. Bộ chỉ hướng dẫn về chức năng, những yêu cầu đặt ra, nếu không sẽ dẫn tới lãng phí, chưa kể nảy sinh tâm lý chờ đợi một đợt trang bị mới.Nhiều trạm y tế cơ sở rất khang trang, sạch sẽ nhưng cả tuần chỉ có 1-2 bệnh nhân đến là không hiệu quả”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.


Đánh giá kế hoạch công tác 2018 của Bộ Y tế rất chi tiết, cụ thể, Phó Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ. Trước hết ngành y tế cần nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữ biên chế, tổ chức bộ máy với thực hiện tự chủ bệnh viện thực sự. “Tỷ lệ điều dưỡng viên/bác sĩ ở Việt Nam còn thấp so với trung bình của thế giới và cần tăng tỷ lệ này lên nhưng không cần tăng biên chế nếu các bệnh viện, cơ sở y tế được tự chủ”.

“Đừng nghĩ chỉ bệnh viện trung ương như Bạch Mai, Việt Đức mới tự chủ được mà thực tế cho thấy nhiều trạm y tế có thể hoàn toàn tự chủ được. Khi tự chủ, tính giá dịch vụ y tế, chất lượng lên, bệnh nhân đến nhiều, thì không chỉ có thu nhập mà quan trọng tay nghề, chuyên môn nâng lên. Thậm chí có những trạm y tế mời được những bác sĩ tư nhân cùng hợp tác, thậm chí khám chữa bệnh trong trạm.Tinh thần là sử dụng toàn bộ nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực trên địa bàn để chăm sóc sức khoẻ cho người dân, không phân biệt công hay tư”, Phó Thủ tướng phân tích.

Thời gian tới, Bộ Y tế phải khẩn trương xây dựng, ban hành danh mục dịch vụ trong y tế dự phòng giống như điều trị, khám chữa bệnh; đẩy nhanh tốc độ xây dựng các phác đồ điều trị; thu gọn các danh mục dịch vụ, thuốc theo đúng thông lệ quốc tế để dễ hiểu, dễ thanh toán.

Đối với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Phó Thủ tướng nhắc lại nhiều lần vấn đề kỷ cương trong cập nhật dữ liệu y tế của người bệnh từ trạm y tế cơ sở đến bệnh viện tất cả các tuyến.
“Tôi đã yêu cầu có các chương trình phần mềm tập huấn, làm đồng loạt ở các trạm y tế cơ sở đầu tiên. Sau đó, Bộ Y tế phải chỉ đạo các bệnh viện phải cập nhật đầy đủ bệnh án điện tử, không chỉ phục vụ thanh toán BHYT mà sau này những thông tin này sẽ cập nhật vào hồ sơ sức khoẻ từng người. Sau một số năm sẽ có hồ sơ đủ thông tin để theo dõi sức khoẻ cá nhân cho từng người dân. Đi khám ở bệnh viện trung ương, ở tỉnh, huyện, ở trạm y tế xã hay phòng khám tư nhân đều phải cập nhật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải đáp lo lắng nguồn kinh phí để thuê dịch vụ trong ứng dụng CNTT, Phó Thủ tướng lấy ví dụ đối với  việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai cung cấp đầy đủ thông tin và các dịch vụ có thu phí như nhắc qua nhắn tin đến ngày tiêm chủng thì sẽ có nguồn kinh phí để vận hành hệ thống.

“Hãy cứ làm một hệ thống đồng bộ và cung cấp dịch vụ thì sẽ có nguồn để lo việc đó.Hay chỉ riêng việc có hồ sơ sức khoẻ điện tử tại trạm y tế xã thì sẽ bỏ đi mấy chục quyển sổ tại xã, tiết kiệm chỉ riêng tiền giấy in cũng hàng chục tỉ đồng.Bây giừo không hải là lúc thí điểm mà phải làm”.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế “vượt qua rất nhiều cản trở, phân vân trong ngoài” để thực hiện đấu thầu thuốc tập trung ở cấp tỉnh qua mấy năm đã tiết kiệm được 30%, vừa rồi đấu thầu quốc gia đã giảm tiếp.

“Chúng ta phải kiên trì thực hiện, vướng đâu báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đừng câu nệ mọi việc.Mục đích cuối cùng là giảm giá thuốc. Thị trường thuốc Việt Nam hiện là trên 4 tỷ USD/năm, ví dục giảm được 10% thì tiết kiệm được biết bao nhiêu tiền của người nghèo. Khi chữa bệnh không ai đi mặc cả thuốc cả. Nhất định phải giảm xuống”.

“Trừ một vài trường hợp, còn phần nhiều các sự cố người nhà bệnh nhân gây rối là do không được giải thích đầy đủ rõ ràng hoặc do bản thân một số cán bộ y tế chưa thực sự tốt. chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc”.

Nhắc đến một số sự việc bác sĩ bị hành hung trong bệnh việc, bên cạnh việc nghiêm trị những người có hành vi gây rối , Phó Thủ tướng cho rằng cần nhìn nhận trách nhiệm của từng bệnh viện, từng giám đốc sở y tế, lãnh đạo địa phương. Môi trường bệnh viện thật tốt không chỉ khoa, phòng bệnh đẹp, sạch sẽ mà cần công khai, minh bạch về tài chính, chức năng nhiệm vụ, thái độ phục vụ của từng cán bộ y tế, và phải được giám sát.

Về mô hình quản trị bệnh viện, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện lớn, ngoài việc tiếp tục thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, cần phát triển các chuỗi bệnh viện trực thuộc để giảm tải tuyến trên hướng dẫn tuyến dưới “trên tinh thần tự chủ, sáng tạo, hiệu quả”.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý quan điểm xuyên suốt không phân biệt công tư, huy động tất các các nguồn lực để chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân nhưng phải xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng các cơ chế, trục lợi BHYT nhất là tại các phòng khám tư.

“Qua hệ thống tin học của BHYT, qua các cuộc làm việc của Tổng hội Y học cho thấy nhiều cơ sơ y tế tư nhân có biểu hiện trục lợi rất rõ ràng. Các hiệp hội y tế tư nhân phải đi đầu trong công khai và kiến nghị cơ quan nhà nước xử lý những cơ sở y tế tư nhân vi phạm. Y tế tư nhân bước đầu phát triển và về lâu dài đóng vai trò ngày càng quan trọng thì cần chấn chỉnh ngay từ đầu thì sau này mới tốt”.

Phó Thủ tướng mong muốn ngành y tế làm tốt hơn trong năm 2018, cùng với Chính phủ có bước tiến căn bản hơn năm ngoái và đến năm 2020 những mục tiêu cơ bản được đề ra trong nghị quyết Trung ương về công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong tình hình mới sẽ được định hình rõ.
“Nhiều ví dụ cho thấy một khi chúng ta thông suốt từ trên xuống dưới thì triển khai nhanh, hiệu quả từ liên thông kết quả xét nghiệm đến lập hồ sơ chăm sóc sức khoẻ cho người dân..”,.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ sự trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bộ trưởng cho biết trong năm 2018 ngành y tế sẽ nỗ lực hơn nữa để thực hiện những nhiệm vụ được giao.

Vượt chỉ tiêu Quốc hội giao về số giường bệnh và tỉ lệ dân số tham gia BHYT

Tổng kết công tác năm 2017, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đã hoàn thành vượt mức 2 chỉ tiêu Quốc hội giao là chỉ tiêu số giường bệnh trên 10.000 dân: giao 25,5%, đạt 25,7%; chỉ tiêu tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT): giao 82,2%, đạt 86,4%. Đạt 11/11 chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Kết quả xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã hoàn thành Đề án và được Hội nghị Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Hai là, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới. Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII năm 1993, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ban hành 2 Nghị quyết về công tác y tế, công tác dân số với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hết sức cụ thể nhằm mục tiêu: Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

Đồng thời, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.

Lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế; đấu thầu thuốc tập trung quốc gia; lập hồ sơ sức khỏe cá nhân…

Bộ trưởng cho biết, ngành y tế đã lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ BHYT lên 86,4%. Việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn… vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT, phần tăng thêm do bảo hiểm xã hội thanh toán, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người có thẻ BHYT được tốt hơn, khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, giảm tải tuyến trên. Mặt khác khuyến khích người dân mua BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 86,4% năm 2017.

Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia giúp giảm chi phí thuốc, tiết kiệm ngân sách: Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã hoàn thành đợt mua sắm tập trung cấp quốc gia đầu tiên, gồm 5 hoạt chất thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia. Tổng giá trúng thầu là hơn 2.269 tỷ đồng, giá kế hoạch là 2.746 tỷ đồng, đã tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (17%) so với giá kế hoạch. Trong đó, các biệt dược tiết kiệm được khoảng hơn 114 tỷ đồng (giảm 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu); các thuốc generic tiết kiệm được hơn 362 tỷ đồng (giảm 33% so với giá kế hoạch).

Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuy nhiên hiện tuyến y tế này vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ... Do đó, cùng với việc bao phủ y tế toàn dân để đảm bảo cơ chế tài chính, quyết tâm của Chính phủ thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ tạo ra một cơ chế mới, khắc phục được khó khăn này, trở thành một trong những bước thực hiện bao phủ toàn diện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở.

Cũng trong năm 2017, ngành y tế đã đổi mới, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy y tế từ trung ương tới địa phương theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tại trung ương, thực hiện Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, đã giảm được 36 phòng trong các Vụ, Cục (từ 94 xuống còn 58 phòng). Thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế. Hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số; Quyết định ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế để thay thế Quyết định số 246/QĐ-TTg ngày 12/2/2014. Đã ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục phòng chống HIV/AIDS. Đang khẩn trương hoàn thiện để quy định chức, năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Cục còn lại, Tổng cục, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ trong đầu năm 2018. Đã tiến hành thẩm định đề án thành lập Bệnh viện Nội tiết TW TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TW Cần Thơ trực thuộc Bộ Y tế.

Tại địa phương, đã thực hiện sáp nhập một số trung tâm không có giường bệnh làm nhiệm vụ y tế dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (thực hiện theo Thông tư số 26/2017/TT-BYT ngày 26/6/2017), đến nay đã có 40 tỉnh, TP được UBND tỉnh, TP ban hành quyết định quy định thực hiện; 202/420 huyện đã thực hiện hợp nhất bệnh viện, trung tâm y tế huyện 1 chức năng thành trung tâm y tế huyện 2 chức năng và quản lý trạm y tế xã. Ban hành Thông tư 29/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

Về lĩnh vực khám chữa bệnh, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng: Ngày 21/2/2017, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người tại Việt Nam. Bệnh nhân được ghép là cháu bé 6 tuổi.

Trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam đó là bệnh nhân Nguyễn Thành Đạt 10 tuổi với chẩn đoán cơ tim giãn nở do suy tim giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị khác ngoài ghép. Ngày 15-3, ca ghép kéo dài khoảng 10 tiếng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành công.

Bệnh viện Chợ Rẫy lập 8 kỷ lục Việt do Hội Kỷ lục Việt Nam xác nhận, đó là các kỷ lục về "Bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”; “Bệnh viện tổ chức và thực hiện quy trình ghép thận từ người hiến tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”; “Đơn vị thực hiện nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam”; “Đơn vị tổ chức vận chuyển tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”; “Người thực hiện ca ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”; “Người thực hiện ca phẫu thuật lấy và ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam”; “Người tổ chức điều phối tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”; “Người thực hiện ca ghép thận đổi chéo người cho đầu tiên tại Việt Nam”.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.


Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được khai trương vào ngày 24/3/2017, hệ thống đã được áp dụng và triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/6/2017, 63 tỉnh/thành phố với 12.877 đơn vị. Đến nay, Hệ thống đã ghi nhận: 8.713.381 đối tượng. Đảm bảo quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng, là trẻ em, phụ nữ theo mã ID, quản lý suốt đời từ khi trẻ sinh ra, quản lý vật tư vắc xin và các tiện ích khác cho người dùng như quét mã vạch đối tượng, nhắn tin cho người dân, cổng thông tin tra cứu lịch sử tiêm chủng. Hệ thống thực hiện quản lý quá trình, toàn diện các công tác tiêm chủng cho cán bộ trực tiếp và cán bộ quản lý 4 tuyến từ Trung ương đến trạm y tế xã.

Việt Nam tự hào trở thành một trong bốn nước Châu Á có thể tự sản xuất vắc xin phối hợp sởi-rubella, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ (Dự án Tăng cường năng lực sản xuất Vắc xin Sởi Rubella do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA). Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vắc xin 2 trong 1 trên dây truyền công nghệ hiện đại. Vắc xin này đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào tháng 3/2017, dự án đã hoàn thành sớm 01 năm so với kế hoạch (kế hoạch là tháng 3/2018)....

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, thách thức đó là hệ thống cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng tăng, cơ cấu bệnh tật thay đổi, biến đổi khí hậu, già hoá dân số... Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ còn chậm do phải đảm bảo mức độ tăng phù hợp của chỉ số giá tiêu dùng... Tỉ lệ thuốc, thiết bị y tế sản xuất trong nước còn thấp, chưa khắc phục được tình trạng lạm dụng kháng sinh, bán thuốc không theo đơn....

Năm 2018: Thực hiện 11 chỉ tiêu đề ra và 2 chỉ tiêu Chính phủ giao

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2018, ngành y tế đề ra mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Căn cứ tình hình thực hiện các chỉ tiêu y tế cơ bản năm 2017, Bộ Y tế đề ra 11 chỉ tiêu năm 2018 (chi tiết xem bảng dưới đây); trong đó, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao 02 chỉ tiêu: (1) Số giường bệnh trên 10.000 dân là 26; (2) Tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 88,5%.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm 2017 và đề xuất năm 2018.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có các bài trình bày, báo cáo tham luận về Hướng dẫn lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; Mô hình trạm y tế xã theo hướng dẫn số 1383/HD-BYT của Bộ Y tế về mô hình điểm trạm y tế xã, phường; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã, phường; Thực hiện tự chủ tại các cơ sở y tế và nguồn tài chính thực hiện Thông tư 39/2017/TT-BYT về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở; Kinh nghiệm triển khai mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương và thực hiện giá dịch vụ y tế….


Dương Hải
Ý kiến của bạn