Phải tính đến phương án đối phó với lũ lớn có thể xảy ra
Tại Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng đã cùng lãnh đạo tỉnh đến các vùng xung yếu, khu vực ven biển Hương Trà, Phú Lộc, kiểm tra công tác ứng trực, trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 10. Tại Quảng Trị, Phó Thủ tướng đã tới các điểm neo đậu tàu thuyền huyện Gio Linh, Quảng Trị, tới các điểm dân cư sơ tán trong các trường học, nhà văn hóa kiên cố, thăm hỏi, động viên bà con an tâm, đoàn kết giúp đỡ nhau trước diễn biến còn đang rất bất thường của cơn bão. Sau khi kiểm tra các địa bàn xung yếu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự chủ động của các địa phương. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Trung tính từ năm 2006 đến nay. Các địa phương phải thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ", trong đó, đối với các địa phương ven biển, đầm phá, phải quản lý tốt, tuyệt đối không để người dân quay lại tàu, lồng bè, nhà ở đã di dời khi thời tiết đang nguy hiểm. Chủ động phòng tránh lũ lụt, nhất là lũ quét và sạt lở đất đá ở vùng núi. Phó Thủ tướng yêu cầu phải theo dõi diễn biến lượng mưa, nếu trên 400mm, phải tính đến phương án đối phó với lũ lớn có thể xảy ra; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ chứa nước, đập thủy điện.
Tại Quảng Bình, vào hồi 13 giờ 20 phút trưa ngày 30/9, xã biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã hứng chịu những trận sóng cực lớn, cao đến gần 20m. Đã có 1 sĩ quan quân đội bị trọng thương do giúp dân tại huyện Quảng Ninh. Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đồng Hới dù cách mép biển 3km vẫn bị tốc hết mái và cửa. Hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến phố đã đổ rạp.
Tại Hà Tĩnh, đến 10 giờ 30 phút sáng, tại vùng ven biển Hà Tĩnh, gió bắt đầu thổi mạnh, sóng biển đánh dồn dập, triều cường dâng cao. Công tác di dời, sơ tán dân đang được UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo khẩn cấp, quyết liệt. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, gần 4.000 tàu thuyền với hơn 14.000 thuyền viên ở Hà Tĩnh hiện đều nhận được thông tin về cơn bão số 10 và đã chủ động tìm nơi trú ẩn, tổ chức chằng néo an toàn.
Sẵn sàng chi viện cho y tế tuyến dưới
Theo thông tin tại cuộc họp, để hỗ trợ y tế các địa phương trong công tác phòng, chống lụt bão, liên tục trong thời gian qua, Bộ Y tế đã cấp xuất hàng hóa phục vụ công tác phòng chống lụt bão bao gồm áo phao, thuốc men các loại.
Đảm bảo công tác KCB 24/24 giờ trong mưa bão
Trước cảnh báo về cơn bão số 10 rất mạnh, y tế các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã khẩn trương vào cuộc. Nhiều đoàn công tác đã lên đường trực chỉ vùng tâm bão để rà soát lại các phương án phòng chống bão lũ.
PGS.TS. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế họp Ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn - Bộ Y tế. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Tại Hà Tĩnh, 4 đoàn kiểm tra của Sở Y tế do lãnh đạo Sở trực tiếp đi kiểm tra đã tỏa xuống địa phương, tập trung chủ yếu vào các huyện ven biển nơi có nguy cơ rất cao là nơi tâm bão đi vào. Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh - BS. Phan Thị Ninh cho biết, qua kiểm tra, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã vào trạng thái sẵn sàng. Những nhà trạm, cơ sở y tế đã được chằng buộc kiểm tra TP.
Tại Quảng Trị, chiều 30/9, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống, ông Trần Văn Thành - Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, hiện tại, ở Quảng Trị, gió thổi mạnh, đã xuất hiện mưa. Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, thiết bị vật tư, hóa chất, nước uống... Đặc biệt, tại những vùng di dân, các trạm y tế xã đã cử người ứng trực 24/24h và đã được trang bị cơ số thuốc, nước uống để phục vụ người dân. Các bệnh viện đa khoa lập tổ cấp cứu sẵn sàng ứng phó kịp thời nếu có yêu cầu trợ giúp về y tế. Ông Thành cũng cho biết, trước đó, ngành y tế đã triển khai lên phương án phòng bệnh và đây cũng là việc thường quy của ngành y tế. Bên cạnh đó, y tế cơ sở đã thực hiện hướng dẫn người dân đầy đủ về cách phòng dịch bệnh trong và sau bão.
Nhóm PV-CTV