Ngay sau khi lũ rút, lực lượng y tế địa phương đã nhanh chóng tập trung ngay về các địa bàn cơ sở, nơi dễ xảy ra dịch bệnh sau lũ.
Tại vùng rốn lũ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình lúc này, mọi con đường vào xã đều lầy lội bùn đất, rác thải và nước lũ vẫn còn đọng lại. Khó ai có thể hình dung được rằng nơi đây chỉ mấy ngày trước gần như toàn xã đều bị nhấn chìm trong lũ. Và cuộc sống của người dân lúc này còn bừa bộn và đầy rẫy những thiếu thốn trong mưa lũ. Mất điện, thiếu nước sạch, thực phẩm, vệ sinh môi trường ô nhiễm khiến người dân nơi đây vốn đã khó khăn nay càng thêm khó khăn hơn. Lúc này, thứ đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây là dịch bệnh và thiếu nguồn nước sinh hoạt.
Theo thống kê, trên địa bàn các huyện Minh Hóa, có 545 hộ dân bị ngập, 331 giếng nước bị nước lũ tràn vào và một số trạm y tế bị lũ chia cắt hoàn toàn... Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều cố gắng duy trì hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đồng thời di chuyển trang thiết bị, thuốc, hóa chất... đến nơi an toàn, không để thiệt hại lớn về mặt tài sản do lũ, lụt.
Cán bộ y tế thực hành xử lý nước sạch tại nhà người dân.
Tại đây, lực lượng y tế địa phương cùng phối hợp với người dân vừa triển khai công tác khắc phục hậu quả bão lũ, đồng thời tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường nơi sinh sống với phương châm nước rút đến đâu phun hóa chất, xử lý nguồn nước đến đó.
Trước đó, ngành y tế Quảng Bình đã cấp một cơ số thuốc phòng chống lụt bão cho Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa, 10.000 viên paracetamol 0,5g; 1.000 viên clarithromycin 250mg; 1.000 viên cotriseptol 480ml; 400 chai glucose 5% 500ml; 2.000 viên vitamin 3B; 500 ống natri clorid 0,9ml; 200 ống natri clorid 0,9% 50ml; 400 chai ringer lactat 500ml. Ngay sau khi nước rút, ngành y tế cũng đã cử nhiều đoàn công tác về trực tiếp chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở khắc phục hậu quả cơn bão số 6 và hướng dẫn người dân xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt.
BS. Nguyễn Tuấn Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa, Quảng Bình cho biết: Ngay sau khi nước rút, chúng tôi đã cử trực tiếp cán bộ về tại các vùng trọng điểm kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các trạm y tế triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ; đồng thời hướng dẫn người dân trong vùng ngập lụt cách xử lý vệ sinh môi trường, nhất là nguồn nước sinh hoạt. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã xuất 20.000 viên cloramin B; 5.000 viên aquatas để xử lý cho hơn 500 hộ dân, trong đó trên 300 giếng bị ngập trong lũ. Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch và cấp cho các trạm y tế có nguy cơ ngập lũ cao các cơ số thuốc, hóa chất để xử lý nguồn nước, phục vụ công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh giúp cho người dân có kiến thức cơ bản trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe, hạn chế các loại dịch bệnh dễ phát sinh sau mưa, lũ.
Hướng dẫn người dân nhận biết thuốc mùa lũ.
Mặc dù dịch bệnh chưa xảy ra sau lũ lụt, nhưng với điều kiện môi trường và thời tiết hiện nay khiến nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất dễ xảy ra. Hiện nay, với tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế Quảng Bình đã và đang tích cực chỉ đạo lực lượng y tế địa phương tăng cường các hoạt động giám sát dịch tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời cử cán bộ y tế về tận cơ sở để giúp dân làm sạch môi trường, khử trùng nguồn nước nhằm ngăn ngừa, phát hiện sớm để xử lý triệt để các điểm dịch. Đặc biệt, chủ động chuẩn bị các cơ số thuốc, vật tư, hóa chất sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.