Cụ thể, các bệnh viện, đặc biệt là ở khoa cấp cứu và những khoa có bệnh nhân nặng, sẽ làm việc bình thường trong 9 ngày Tết. Tăng số lượng y, bác sỹ trực, tổ chức nhiều buồng khám và khu điều trị ban ngày; đồng thời phát thuốc, làm thủ tục ra viện cho bệnh nhân như bình thường. “Không được từ chối hoặc chậm trễ đối với bất cứ trường hợp cấp cứu nào, lãnh đạo trực mở điện thoại 24/24”…
Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), để đối phó với tình trạng tại nạn giao thông trong Tết, đơn vị đã huy động 50 bác sĩ, 100 điều dưỡng ứng trực 24/24h trong suốt 9 ngày nghỉ Tết, đồng thời có phương án dự phòng nguồn nhân lực tăng cường khi phát sinh tình huống mới. Theo số liệu thống kê, từ 27 tháng Chạp đến ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 640 trường hợp tai nạn, trong đó gần 490 ca do TNGT; 202 ca do tai nạn sinh hoạt và lao động; đa số người bị TNGT đều bị chấn thương sọ não, đa chấn thương có liên quan đến sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và chở xe máy 3 - 4 người.
Năm nay, Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn duy trì việc Ban giám đốc bệnh viện tham gia trực trong tất cả các ngày Tết, trong đó Giám đốc bệnh viện trực đêm giao thừa và mùng 1 Tết, vừa chỉ đạo điều hành, vừa tham gia trực chuyên môn và thăm hỏi, tặng quà, động viên bệnh nhân đang yên tâm điều trị. Bệnh viện đã lên các phương án phân công bác sĩ trực ở tất cả các khoa phòng, đồng thời cử một kíp trực cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng ứng cứu người bệnh trong tình huống cần thiết. Bên cạnh đó, nhà ăn của bệnh viện cũng chuẩn bị các bữa cơm từ thiện phục vụ bệnh nhân trong dịp tết. Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Bá Quyết cho biết, những ngày giáp Tết, số ca cấp cứu tăng gần gấp đôi nên đội ngũ y, bác sỹ của bệnh viện vẫn làm việc bình thường, còn từ ngày mùng 1 Tết trở đi, lượng bệnh nhân ít hơn nên bệnh viện bố trí 3 bàn khám cấp cứu.
Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương (Hà Nội) vào những ngày tết bận rộn không kém ngày thường. Cả khoa hiện điều trị cho hàng chục bệnh nhân chủ yếu là nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não mủ… Đây đều là những bệnh nhân nặng, cần được theo dõi 24/24h.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong những ngày này, các y bác sĩ vẫn đang hết sức bận rộn với công việc cấp cứu bệnh nhân, trong đó chủ yếu là tai nạn giao thông. Để sẵn sàng cứu người, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tăng thời gian trực trong một kíp từ 8 giờ lên 12 giờ. Trong khi đó, mỗi ca trực vẫn luôn đảm bảo số lượng như ngày thường là vào khoảng 35 người, trong đó có 9 bác sĩ. Sau mỗi ca trực, nhân viên y tế được nghỉ khoảng từ 1 đến 2 ngày sau đó lại vào ca trực.
Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên công tác chuẩn bị phục vụ khám chữa bệnh cho người dân được các bệnh viện đặt lên hàng đầu. Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đã mở thêm phòng cấp cứu, tăng thêm bác sĩ trực.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải bố trị trực theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn; xử lý thông tin Đường dây nóng; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Bên cạnh đó, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết. Chính vì thế công tác y tế trong những ngày tết vừa qua luôn được đảm bảo, người dân đã được khám, điều trị, cấp cứu kịp thời.
Ngọc Anh (TH)