Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại quyết định 3974/QĐ - BYT, đoàn công tác số 3 của Bộ Y tế do thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã đến kiểm tra, hướng dẫn, công tác phòng chống dịch sau bão lũ tại tỉnh Quảng Bình.
Ngày 30/9/2013, bão số 10 đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình. Thời gian bão kéo dài kèm theo có mưa to, nghiêm trọng trên diện rộng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Bình, toàn tỉnh có 05 người chết, 02 người mất tích, và 140 người bị thương, 3.581 căn nhà bị ngập, 345 căn bị sập, 156.517 căn bị hư hỏng, tốc mái, cuốn trôi. Ngành y tế gánh chịu nhiều thiệt hại như: 100% cơ sở Y tế bị ảnh hưởng, hư hỏng, phần lớn là bị tốc mái, vỡ cửa kính, hệ thống điện, nước bị hỏng. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho thu dung điều trị bệnh nhân bị hư hỏng nặng, một số kho thuốc của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh bị ướt, không thể bảo quản. Đặc biệt một số đơn vị bị thiệt hại nặng như: Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, bệnh viện đa khoa Đồng Hới, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế Dự phòng Lệ Thủy và Trường Trung cấp Y tế. Ngoài ra, một số vùng như như huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa vẫn đang bị ngập trong nước. Mặc dù các biện pháp phòng chống bão lụt đã được chuẩn bị trước nhưng do diễn biến phức tạp của bão, nhiều tài sản, thuốc men, trang thiết bị như máy siêu âm, máy xét nghiệm, tài liệu ở các cơ sở y tế bị ẩm, hư hỏng, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thay mặt Bộ Y tế trao tặng cho các cơ sở y tế tỉnh Quảng Bình thuốc, trang thiết bị và nhu yếu phẩm (ảnh: Lan Phương) |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các cơ sở y tế cần tận dụng tối đa nguồn lực hiện có như phương tiện, vật tư, thuốc, hoá chất, hậu cần để bảo đảm phương án 4 tại chỗ nhằm đáp ứng tốt nhất cho công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh sau bão lụt; duy trì phân nhiệm cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch, đồng thời cử đoàn công tác trực tiếp về các vùng ngập lụt để nắm tình hình, cấp bổ sung vật tư, thuốc, hoá chất và chỉ đạo các đơn vị khắc phục hậu quả bão lụt; tăng cường công tác giám sát tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa bàn bị ngập lụt, kiểm tra, giám sát kịp thời các ca bệnh do thực phẩm gây ra không để ngộ độc thực phẩm xảy ra; nhanh chóng xử lý các vấn đề về môi trường, khử trùng nước uống, nước sinh hoạt, giám sát dịch bệnh, phun hoá chất khử trùng, cấp hoá chất, thuốc điều trị, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, ăn uống hợp vệ sinh, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do bão lụt gây ra với quan điểm không để nhân dân thiếu thuốc điều trị, thiếu nước uống, thiếu hoá chất xử lý môi trường và đặc biệt là không để dịch xẩy ra sau mưa lũ.