Ngành y tế đang cô đơn trong hành trình bảo vệ an toàn cho nhân viên

25-04-2018 08:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến thẩm tra về tình hình thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế ngày 24/4, Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) đã phát biểu như vậy.

Liên tiếp xảy ra các vụ hành hung cán bộ y tế

Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2018, hàng loạt vụ hành hung bác sĩ ở một số bệnh viện đã khiến dư luận thật sự lo ngại. Mới đây, vào 11 giờ 52 phút trưa 23/4, Khoa Cấp cứu chống độc - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân Hồ Ngọc Tú Trinh (22 tuổi, ở phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) mang thai 32 tuần bị tai nạn giao thông, chấn thương vùng mặt. Tuy nhiên, trước khi bệnh nhân vào viện khoảng 10 phút, xuất hiện hai người đàn ông lạ mặt, trong đó có một người cầm theo 2 con dao, dài khoảng 30 đến 40cm xông vào Khoa Cấp cứu chống độc đề nghị gặp bệnh nhân Trinh, tuy nhiên lúc này bệnh nhân chưa nhập viện nên quay về. Khi ra tới cổng thì gặp người nhà đang đưa bệnh nhân Trinh vào nhập viện, lúc này hai người đó tiếp tục theo vào và cùng mang theo 2 con dao, dắt sau lưng. Tại đây, trong quá trình các y, bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân Trinh, hai người này đã to tiếng, đập bàn, tạo sức ép đối với nhân viên y tế, yêu cầu xử lý nhanh cho bệnh nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại phiên họp.

Cũng tại BV này, ngày 8/4 cũng đã xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhi hành hung bác sĩ và thực tập sinh.

Trước đó, vào 16 giờ chiều 22/4, tại khu vực đón tiếp Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK huyện Diễn Châu (Nghệ An), người nhà bệnh nhân trong tình trạng say rượu đã lao thẳng xe máy vào khu vực cấp cứu nạn nhân, gây cản trở công tác khám bệnh. Người nhà được nhân viên y tế đề nghị đưa xe ra ngoài đúng quy định. Do có uống rượu nên người này bức xúc to tiếng, vung chân tay làm mất trật tự tại khu vực này. Sau đó được mọi người giải thích và đối tượng đã ra về, không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng.

Ngày 13/4, một bác sĩ của BVĐK Xanh Pôn (Hà Nội) trong khi đang trao đổi với bố của bệnh nhi đã bị người này đánh liên tục vào đầu. Xem xét các vụ việc có thể thấy, hầu hết y, bác sĩ bị tấn công bởi chính người nhà bệnh nhân.

Trước đó nữa, ngày 31/3, bác sĩ và điều dưỡng viên tại BVĐK tỉnh Bắc Kạn trong lúc đang điều trị bệnh nhân đã bị chồng của bệnh nhân lăng mạ, tấn công, đập đầu vào tường… Ngày 25/2, nhân viên y tế tại BVĐK huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bị một nhóm thanh niên đuổi đánh, đồng thời đập phá tài sản vì cho rằng bệnh viện không cứu sống được hai nạn nhân bị tai nạn giao thông vào cấp cứu trước đó; Ngày 20/2, hai bác sĩ tại BV Sản nhi tỉnh Yên Bái, sau khi hoàn thành ca đỡ cho một sản phụ đã bị chồng sản phụ đánh đập thậm tệ, chỉ vì người này không được trèo lên tường khu nhà mổ để quay phim chụp ảnh ca sinh; Ngày 22/1, tại Phòng cấp cứu BVĐK tỉnh Lâm Ðồng, một bác sĩ đang khâu vết thương cho bệnh nhân thì bị một nhóm thanh niên xông vào đánh tới tấp đến mức thủng màng nhĩ…

Qua đây có thể nhận thấy tình trạng nhân viên y tế bị hành hung ngay tại BV một cách ngang nhiên và ngày càng tăng đã phần nào cho thấy những nỗ lực của xã hội và của cả chính bản thân ngành y tế nhằm chấm dứt tình trạng này chưa đạt được hiệu quả.

Không bảo vệ đội ngũ y bác sĩ chẳng khác gì “lấy đá ghè chân mình, bệnh nhân là người chịu thiệt thòi đầu tiên”

Tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Y tế đã đề cập đến vấn đề nóng bỏng trong thời gian qua đó là tình trạng trật tự an toàn, an ninh tại một số bệnh viện chưa được đảm bảo. Cho ý kiến về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, qua đi giám sát tại 7 tỉnh, các địa phương đều rất bức xúc về vấn đề này. Do đó cần phải có những giải pháp khắc phục.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải có giải pháp mạnh trên cơ sở xem xét khía cạnh pháp luật, liệu có khép hành vi hành hung bác sĩ vào tội chống người thi hành công vụ được không? Nếu không, tình trạng này sẽ còn tiếp tục xảy ra.

ĐB Phong Lan cũng đề nghị, ngành y tế cần tăng cường các giải pháp pháp chế bảo vệ đội ngũ y bác sĩ.

Còn ĐB Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) chia sẻ, bản thân ông thấy ngành y tế đang cô đơn trong hành trình bảo vệ an toàn cho nhân viên. “Tôi rất đau lòng khi các bác sĩ thay vì học khám chữa bệnh phải học võ. Tình trạng đạo đức xuống cấp sẽ đẩy sự nghiệp y tế vào bờ vực. Nếu làm cho qua chuyện, làm để đối phó thì rất gay go. Bây giờ phải làm nóng vấn đề này lên, lãnh đạo Đảng, chính quyền phải cùng vào cuộc nghiêm túc chứ không chỉ riêng ngành y tế”, ĐB Thắng nêu.

Về giải pháp, ĐB Hoàng Đức Thắng đề xuất phải truyền thông để người dân nhận thức được nếu không bảo vệ đội ngũ y bác sĩ chẳng khác gì “lấy đá ghè chân mình, bệnh nhân là người chịu thiệt thòi đầu tiên”. Theo đó, ĐB Hoàng Đức Thắng nêu quan điểm, phải luật hóa, không thể chỉ xử lý về hành chính mà phải có chế tài đủ mạnh để tạo tính răn đe, chứ chỉ xử lý tội gây rối thì “không ăn thua”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chỉ đạo yêu cầu cấp chính quyền địa phương vào cuộc, nếu chỉ mỗi ngành y tế và công an thì không giải quyết được.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, bản thân Bộ trưởng đã hai lần phát biểu trên truyền hình rằng ngành y cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế.

Trước ý kiến cho rằng mô hình cắm chốt công an trong BV không khả thi, Bộ trưởng cho biết, trên thực tế nhiều nơi như BV Việt Tiệp (Hải Phòng) và BV Ninh Bình, tình trạng hành hung y bác sĩ đã giảm rõ rệt khi có lực lượng này tuần tra thường xuyên.

“Lực lượng công an viên ở phường rất nhiều, sắp tới các BV tự chủ thì phải trả chi phí cho công an tuần tra”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.


Thái Bình
Ý kiến của bạn