Bão số 10 là cơn bão mạnh, khi đổ bộ vào đất liền sức gió mạnh nhất ở vùng tâm bão khoảng cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15 và có mưa to đến rất to; bão đã gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người dân, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Trong suốt những ngày xẩy ra bão, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Y tế đã có 4 Công điện chỉ đạo Sở Y tế các Tỉnh và các Đơn vị trực thuộc Bộ trong vùng bị ảnh hưởng của bão tổ chức ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất; trực tiếp có mặt tại các điểm, khu vực bị ảnh hưởng, bằng mọi biện pháp kịp thời sơ cứu, cấp cứu người bị thương, bị nạn, phối hợp với các lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích… PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ huy chỉ đạo từng Thành viên trong Ban Chỉ huy, các vụ/cục liên quan tổ chức ứng trực 24/24 giờ, giữ liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW, Ủy Ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Sở Y tế các địa phương; dự trữ thuốc, vật tư, hóa chất; kiểm tra, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, các trung tâm y tế dự phòng sẵn sàng cấp cứu nạn nhân bị ảnh hưởng của bão, tăng cường giám sát, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh…
Để cùng ngành y tế các tỉnh chủ động, sẵn sàng triển khai công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của mưa bão, trong một số tháng gần đây và bão số 10, Bộ Y tế đã cấp hỗ trợ các Sở Y tế các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng (Hà Tĩnh: 60 cơ số thuốc, 65.000 viên CloraminB, 300 áo phao; Quảng Bình: 50 cơ số thuốc, 500.000 viên Cloramin B, 100 áo phao; Quảng trị: 50 cơ số thuốc, 500.000 viên Cloramin B, 100 áo phao; Thừa Thiên Huế: 50 cơ số thuốc, 100.000 viên Cloramin B, 100 áo phao, 50.000 viên Aquatab; Đà Nẵng: 50 cơ số thuốc, 500.000 viên Cloramin B, 100 áo phao; Quảng Ngãi: 50 cơ số thuốc, 500.000 viên Cloramin B, 50.000 viên Aquatab…). Với nguồn thuốc, vật tư, hóa chất hỗ trợ từ Bộ Y tế và nguồn dự trữ tại địa phương, Sở y tế các địa phương luôn đảm bảo đủ nhân lực, thuốc và trang thiết bị, cứu chữa người bị thương, bị nạn và chăm sóc sức khỏe người dân trong vùng bị ảnh hưởng của bão.
Theo báo cáo nhanh qua fax và điện thoại của Sở Y tế các Tỉnh, tính đến 11 giờ ngày 1/10/2013, bão số 10 đã làm 03 người chết, khoảng 49 người bị thương, một số cơ sở y tế tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị tốc mái, sạt lở và ngập lụt cục bộ. Người bị thương đã được cán bộ y tế cấp cứu, chăm sóc kịp thời, các trường hợp bị thương nặng đã được đưa đến các cơ sở y tế để điều trị.
Bộ Y tế cho biết, trong những ngày tới, Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo Sở Y tế các địa phương và các đơn vị trực thuộc Bộ trong vùng bị ảnh hưởng tiếp tục tập trung cứu chữa người bị nạn; hướng dẫn nhân dân cách vệ sinh, an toàn thực phẩm, khử trùng nguồn nước, phòng tránh bệnh truyền nhiễm; triển khai ngay các biện pháp ngăn ngừa và kịp thời xử lý các ổ dịch, bệnh phát sinh; cùng chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục các cơ sở y tế bị hư hại, đi vào hoạt động, góp phần để nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt.
Thái Bình