Theo đó, tại công văn này, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tập trung các vùng có nguy cơ cao. Kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng có dịch vào Việt Nam; Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý, tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong công tác điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm và các điểm vui chơi, lễ hội;
Đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông
Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối chỉ đạo các Bệnh viện Trung ương, Bệnh viện được phân công chỉ đạo tuyến bảo đảm kế hoạch trực 24/24 giờ, lưu ý nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do tuyến dưới chuyển lên, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu, chuẩn bị đủ số lượng máu, đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế có giường bệnh bảo đảm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, phương tiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phát sinh; bố trí cán bộ y tế trực 24/24h trong những ngày nghỉ lễ. Xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an, các lực lượng liên quan trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và phòng chống cháy nổ tại đơn vị; Thường xuyên nắm tình hình, giải quyết công việc, đặc biệt là công việc quan trọng, cấp bách, kịp thời báo cáo những vấn đề nổi cộm, phức tạp, đột xuất phát sinh xảy ra trong lĩnh vực, địa bàn quản lý về văn phòng Bộ Y tế.