Khi toàn xã hội đang thay da đổi thịt từng ngày thì người ta lại tự cho mình có quyền dè bỉu một ngành mà dường như đã bị lãng quên về vấn đề đãi ngộ, để rồi khi các nhà quản lý vĩ mô của ngành lên tiếng, họ lại cho rằng: đã sợ khổ thì đừng làm ngành đó. Tôi chỉ muốn nói một điều: ngành y không phải nơi tu hành.
Hãy nhìn vào sự xa hoa của cả một xã hội đang điên đảo với các cuộc chạy đua về tiền. Hàng trăm ngàn tỷ đồng đi xuống sông, xuống biển vì tham ô, tham nhũng, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, chạy chức, chạy quyền, chạy tội. Một cuộc sống đầy rẫy sự dối trá của đồng tiền khi mà kẻ già thì lo tìm mua nông trại, người trẻ thì tìm kiếm quyền lực, còn thanh thiếu niên thì đàn đúm vũ trường, mải mê chinh chiến và yêu đương. Phần đông xã hội bây giờ chạy theo sự xa hoa mới nở mà quên mất rằng, đất nước ta còn nghèo.
Vậy nhưng, người ta sẵn sàng tự cho mình quên đi sự thật ấy và bắt ngành y phải chấp nhận sự thật ấy. Bạn có biết: trong số 4.000 tỷ đồng của vụ lừa đảo mang tên Huỳnh Thị Huyền Như, chỉ cần 2,5% (tức 100 tỷ đồng) là có thể đầu tư xây dựng một bệnh viện đủ để khám, chữa bệnh cho 500 người mỗi ngày và khấu hao tài sản cố định trong vòng ít nhất 10 năm, tức là đem lại lợi ích cho 1.825.000 người. Vậy tại sao xã hội này điên đảo đưa hết tiền cho Huyền Như? Đơn giản vì trong khi bản thân rất tham lam, họ chỉ coi ngành y như một nơi tu hành mà quên mất rằng phục vụ con người mới là mục đích cuối cùng của cuộc sống này.
Khi có tiền rồi thì điều gì bạn quan tâm nhất? Đó là sức khỏe. Đang giàu có mà đột tử ra đi liệu có đáng tiếc không? Vậy là lúc bấy giờ, người ta mới đảo điên để tìm kiếm sức khỏe tốt nhất cho bản thân và sẵn sàng chi ra cả đống tiền một cách vô tội vạ để mong lấy lại sức khỏe. Nhưng lúc ấy đã muộn rồi, bởi ngay từ khi còn trẻ chưa bao giờ người ta có ý thức xây dựng ngành y - người bảo vệ sức khỏe cho xã hội mà chỉ xem đó là một ngành thứ yếu, khi cần mới nhớ tới.
Trên thực tế, ngành y là nơi kết tinh của trí tuệ loài người. Vận dụng tất cả các kiến thức khoa học để tìm hiểu con người một cách chi tiết là kết quả lâu dài từ hàng ngàn năm nay có được. Cuối cùng thì tất cả mọi cố gắng trong cuộc sống chẳng phải nhằm một mục đích rất sinh học là duy trì sự tồn tại, phát triển và thống trị của loài người trên trái đất này sao? Và để làm được điều đó, không thể thiếu được ngành y. Thực tế đã chứng minh, để làm việc được trong ngành y đâu phải dễ dàng.
Vậy là cơn bão kinh tế đã đi qua tất cả những ngành nghề trong xã hội, song người ta lại đang muốn chặn đứng cơn bão đó và không muốn nó xảy ra trong ngành y bởi một lẽ ngành y vốn thiêng liêng. Vậy nhưng người ta không thể hiểu được, hoặc đã cố tình quên mất rằng, nhân viên y tế ngày ngày cũng phải trả tiền học cho con, phải đóng tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền ăn uống và hàng trăm thứ tiền lặt vặt khác - vốn là những loại chi phí đã phi nước đại theo sự điên rồ của xã hội. Chỉ còn lại ngành y không được phép chạy theo sự thay đổi chung của xã hội. Phải chăng người ta đang xây những ngôi đền để cho nhân viên y tế hóa thánh hết, không cần ăn uống, không cần nhu cầu làm đẹp, nhu cầu mua sắm, nhu cầu một cuộc sống đầy đủ trong khi những người khác được quyền như vậy?
Không, chúng tôi không phải là những vị thánh và bệnh viện không phải là nơi tu hành. Chúng tôi yêu cầu một sự công bằng đối với công sức và trí tuệ lao động mà chúng tôi bỏ ra, đó là một yêu cầu tối thiểu của con người. Đừng xem bệnh viện là những ngôi đền để rồi mang tiền đến nhét vào kẽ tay thánh và sau đó bắt thánh phải ngồi một chỗ không ăn, không uống rồi phù hộ cho mình. Hãy tôn trọng chúng tôi không chỉ vì hai chữ y đức mà còn vì hai chữ trí tuệ, bởi y khoa là kết tinh trí tuệ loài người.