Ngành huyết học - truyền máu Việt Nam đã làm được nhiều kỹ thuật mới nhất của khu vực và thế giới

24-11-2022 17:39 | Y tế

SKĐS - Trong những năm vừa qua, ngành huyết học - truyền máu của Việt Nam đã có những bước tiến rất nhanh, hiện nay chúng ta đã làm được đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và trên thế giới đang thực hiện...

Phát biểu tại Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022 diễn ra ngày 24-25/11, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh: Chúng ta đã có hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại sánh ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới và đã thực hiện được thành công trong việc khảo sát dịch tễ về bệnh tan máu bẩm sinh trên toàn quốc, thực hiện tầm soát gene bệnh tiến tới giảm dần số lượng trẻ em sinh ra bị bệnh tại một số địa phương.

Ngành huyết học - truyền máu Việt Nam đã làm được nhiều kỹ thuật mới nhất của khu vực và thế giới - Ảnh 1.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Chiến - Thắng)

Về lĩnh vực di truyền-sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gene ở bệnh ung thư máu, Thalassemia, Hemophilia… góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền.

"Về lĩnh vực truyền máu, chúng ta đã đảm bảo được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị người bệnh, đứng đầu là Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Với vai trò là đơn vị đầu ngành của cả nước đã rất chủ động, tích cực và sáng tạo trong xây dựng nguồn người hiến máu, điều tiết máu và sử dụng máu an toàn trên phạm vi toàn quốc.

Kết quả là chúng ta đã không rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn người hiến máu, ngay cả trong thời kỳ giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 lan rộng"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhấn mạnh, mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành Huyết học – Truyền máu Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của y học thế giới và đạt được nhiều bước tiến.

Ngành huyết học - truyền máu Việt Nam đã làm được nhiều kỹ thuật mới nhất của khu vực và thế giới - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhấn mạnh trong những năm vừa qua, ngành huyết học - truyền máu đã có những bước tiến rất nhanh, hiện nay chúng đã đã làm được đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và trên thế giới đang thực hiện... (Ảnh: Chiến - Thắng)

Trong những năm vừa qua, ngành Huyết học – Truyền máu đã có những bước tiến rất nhanh, hiện nay chúng đã đã làm được đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và trên thế giới đang thực hiện: điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân, có những chương trình phòng bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh mắc các bệnh máu di truyền...

Trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học Huyết học-Truyền máu Toàn quốc năm 2022 diễn ra ngày 24-25/11 tại Hà Nội, các chuyên gia quốc tế của Bỉ và Hoa Kỳ đã làm việc với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương về Đào tạo và chuyển giao công nghệ về liệu pháp tế bào và Dự án chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy tế bào CAR-T.

Các buổi làm việc của chuyên gia nằm trong khuôn khổ hợp tác Dự án Đào tạo và chuyển giao công nghệ về liệu pháp tế bào. Cơ quan thực hiện dự án phía Wallonie-Bruxelles là Trường Đại học Liège, Bỉ và Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương được phê duyệt thực hiện.

Ngành huyết học - truyền máu Việt Nam đã làm được nhiều kỹ thuật mới nhất của khu vực và thế giới - Ảnh 3.

Các đại biểu dự Hội nghị khoa học Huyết học-Truyền máu toàn quốc năm 2022 (Ảnh: Chiến - Thắng)

Dự án nhằm hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ về liệu pháp tế bào tại Trường Đại học Liège của Bỉ trong 3 năm (2022-2024). Mục tiêu chung của dự án là tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ y tế về các kỹ thuật liệu pháp tế bào, cụ thể đào tạo đội ngũ cán bộ y tế về tạo nguồn và ứng dụng liệu pháp tế bào, ứng dụng liệu pháp tế bào trong thực tiễn tại Việt Nam cho các bệnh máu ác tính, mạn tính.

Sau khi được đào tạo về lý thuyết và thực hành, các cán bộ được đào tạo sẽ nhận được chứng chỉ công nhận. Từ đó tiếp tục đào tạo các cán bộ khác và là cơ sở để có thể triển khai liệu pháp tế bào ở Việt Nam trong tương lai.

Ngoài ra, các chuyên gia sẽ đào tạo tại chỗ một số nội dung về tế bào gốc trung mô, tiêu chuẩn chất lượng tế bào gốc JAICE, ghép tế bào gốc lâm sàng; thảo luận về nội dung các cuộc trao đổi chuyên gia giữa hai bên và học bổng thực tập chuyên môn tại Bỉ năm 2023.

Cũng trong tuần diễn ra hội nghị, TS Richard W. Childs - Giám đốc Lâm sàng Viện Tim mạch, Phổi và Huyết học Hoa Kỳ (NHLBI) thuộc Viện Sức khỏe Hoa Kỳ đã làm việc tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương với các nội dung: Hội chẩn ca bệnh tại Khoa Ghép tế bào gốc, họp trực tuyến khảo sát cơ sở vật chất Ngân hàng Tế bào gốc để chuẩn bị cho Dự án chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy tế bào CAR-T.

TS. Richard W. Childs hội chẩn với các bác sĩ Khoa Ghép tế bào gốc về các trường hợp bệnh nhân sau ghép (Ảnh: Gia Thắng)

Hội nghị Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022 có sự tham dự của gần 1.500 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Bỉ, Singapore và các nhà khoa học trong nước là chuyên gia đầu ngành về Huyết học-Truyền máu Việt Nam. Đặc biệt, thông qua báo cáo của chuyên gia quốc tế, các đại biểu sẽ được cập nhật những thành tựu, tiến bộ trong lĩnh vực ghép tế bào gốc, tế bào gốc trung mô - ứng dụng lâm sàng, liệu pháp tế bào trị liệu…

Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra Đại hội đại biểu Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam nhiệm kỳ VII (2022 - 2027), Đại hội đại biểu Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam và các sự kiện bên lề như: triển lãm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm; hội thảo vệ tinh, báo cáo giới thiệu sản phẩm của đơn vị tài trợ.

Đã tiếp nhận hơn 90.000 đơn vị máu từ các điểm hiến máu cố định, Viện Huyết học mở thêm địa chỉ thứ 5Đã tiếp nhận hơn 90.000 đơn vị máu từ các điểm hiến máu cố định, Viện Huyết học mở thêm địa chỉ thứ 5

SKĐS - Điểm hiến máu cố định ngoại viện thứ 5 trên địa bàn TP Hà Nội đã được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đưa vào hoạt động từ hôm nay 14/9, giúp hoạt động hiến máu gần hơn với mỗi người dân, vừa là cơ hội để Viện hỗ trợ nâng cao chất lượng xét nghiệm cho tuyến cơ sở ở Thủ đô.

Thái Bình
Ý kiến của bạn