Ngành giáo dục siết chặt ATTP trường học sau vụ ngộ độc tại Trường Ischool Nha Trang

22-11-2022 07:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Liên quan đến sự việc hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú, ngành giáo dục đã có những chỉ đạo gì để siết chặt công tác quản lý các bếp ăn?

Từ vụ học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú: Chuyên gia chỉ ra 5 điểm cần đặc biệt lưu ýTừ vụ học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú: Chuyên gia chỉ ra 5 điểm cần đặc biệt lưu ý

SKĐS - Sau khi một học sinh tử vong nghi ngộ độc thực phẩm ở Trường Ischool Nha Trang, chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng, an toàn là tiêu chí quan trọng nhất của trường học, vì nó là sinh mạng, là sự sống.

Qua sự việc hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang (Khánh Hòa) bị ngộ độc thực phẩm trong bữa ăn bán trú, một em tử vong, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, đây là sự việc cụ thể và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nên Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ có nhắc nhở, yêu cầu các trường không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn và yêu cầu của Ban An toàn vệ sinh thực phẩm của TP. Đồng thời, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý liên quan rà soát, kiểm tra các bếp ăn và căng-tin trường học trong thời gian tới.

Theo ông Trọng, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT TP.HCM đã xác định việc đảm bảo an toàn và sức khỏe của học sinh là nhiệm vụ quan trọng của mỗi nhà trường. Ngoài việc phối hợp với Ban An toàn vệ sinh thực phẩm của TP.HCM tổ chức tập huấn quy trình cho các cơ sở giáo dục thì Sở GD&ĐT còn chỉ đạo nhà trường phải thực hiện nghiêm túc những yêu cầu chuyên môn, nguyên tắc của Ban An toàn thực phẩm.

Ngành giáo dục siết chặt ATTP trường học sau vụ ngộ độc tại Trường Ischool Nha Trang - Ảnh 2.

Suất ăn của học sinh tại Trường iSchool Nha Trang.

Đặc biệt, nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh hàng ngày và thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp. Nhà trường cũng tổ chức kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên, bảo mẫu thực hiện công tác cấp dưỡng, ăn uống cho học sinh trong các căn tin, bếp ăn tập thể.

Theo Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, người đứng đầu nhà trường chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý, cơ quan thẩm quyền trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại đơn vị và tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.

Liên quan đến vụ việc này, tối 21/11, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản về đã tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Theo Bộ GD&ĐT, thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn về tính mạng cho học sinh - sinh viên khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.

Ngành giáo dục siết chặt ATTP trường học sau vụ ngộ độc tại Trường Ischool Nha Trang - Ảnh 3.

Các học sinh bị ngộ độc thực phẩm được cấp cứu tại bệnh viện.

Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Đồng thời các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục. Các đơn vị cần phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Làm sao để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm học đường?

PGS.TS Nguyễn Duy - nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, một trong các nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng ngộ độc thực phẩm ở trẻ em chính là khâu kiểm soát không tốt nguồn nguyên liệu đầu vào. Đó là thịt, cá, rau củ quả… đã bị nhiễm độc do vi sinh vật rồi sinh ra độc tố. Tiếp đó là quá trình chế biến thực phẩm không được đảm bảo an toàn. Ví dụ, khi chế biến, nồi niêu xoong chảo không được rửa sạch theo quy định.

Ngoài ra, chính bản thân nhân viên nhà bếp không được trang bị đầy đủ các trang phục, đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay… mà lại tiếp xúc với thực phẩm chín nên nguy cơ lây truyền vi sinh vật có hại vào thức ăn là rất cao. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm vi sinh vật nằm ở khâu vận chuyển, chia thức ăn từ bếp ra các đĩa, suất ăn nhỏ. Dụng cụ để chia, vận chuyển thức ăn không được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ theo quy định…

Theo PGS.TS Nguyễn Duy, trong cả một dây chuyền sản xuất thực phẩm từ lúc còn tươi sống đến khi học sinh ăn, chỉ cần một khâu bị lỗi, dù nhỏ cũng có thể sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc do bị nhiễm vi sinh vật có hại vào thức ăn, gây ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm.

Với mỗi trường học, việc đầu tiên là kiểm soát thật chặt chẽ nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào mỗi buổi sáng. Nếu qua cảm quan bằng mắt thường, sờ tay ấn vào thấy thực phẩm không đảm bảo thì cần kiên quyết yêu cầu đổi trả ngay lập tức. Vệ sinh bếp ăn, các dụng cụ phục vụ bán trú phải được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Tập huấn cho đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đối với học sinh, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy đúng quy định.

Liên Bộ Y tế - GD&ĐT: Tăng cường tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ mầm non, học sinh trong nhà trườngLiên Bộ Y tế - GD&ĐT: Tăng cường tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ mầm non, học sinh trong nhà trường

SKĐS - Liên Bộ Y tế - GD&ĐT đặt mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi nhằm tăng cường hiệu quả phòng bệnh...


Đỗ vi
Ý kiến của bạn