Hà Nội

Ngành đường sắt lên phương án trở lại sau thời gian ngừng chạy do dịch

22-09-2021 19:26 | Thị trường
google news

SKĐS - Dù gặp nhiều khó khăn, hiện ngành đường sắt đang tính toán các phương án để sẵn sàng mở lại sau khi tình hình dịch bớt căng thẳng ở một số địa phương.

Doanh thu vận tải đường sắt ảnh hưởng mạnh do dịch

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa cho biết, doanh thu vận tải trong tháng 8/2021 của VNR thấp kỷ lục do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, sản lượng vận tải hành khách chỉ hơn 8.640 lượt hành khách lên tàu, đạt 24,8% kế hoạch, bằng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đại diện VNR, số khách ít ỏi trên có được nhờ trong những ngày đầu tháng 8, đường sắt duy trì chạy hàng ngày một đôi tàu khách Thống nhất trên tuyến Bắc - Nam. Tuy nhiên, sau đó, vào cuối tháng, đôi tàu duy nhất này cũng phải dừng do dịch COVID-19 tại nhiều địa phương phức tạp hơn.

Với vận tải hàng hóa có khả quan hơn khi thực hiện 413.944 tấn xếp, đạt 101,6% kế hoạch, bằng 105,4% cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng vận tải hàng hóa cũng đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí giảm do thiếu nguồn hàng và vận chuyển khó khăn hơn.

Tổng doanh thu vận tải đường sắt trong tháng 8 chỉ đạt 114,7 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch, bằng 66,4% cùng kỳ năm 2020 và là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Ngành Đường sắt lên phương án trở lại sau thời gian ngừng chạy do dịch - Ảnh 1.

Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại một nhà ga.

Lý giải nguyên nhân doanh thu sụt giảm, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết, do thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, ngành đường sắt phải điều chỉnh kế hoạch, biểu đồ chạy tàu, cắt giảm nhiều mác tàu trên các tuyến. Tàu khách đã dừng toàn bộ các mác tàu, riêng tàu Thống nhất SE8 chạy hàng ngày dừng từ ngày 23/8, SE7 dừng từ ngày 25/8/2021.

Để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa đường sắt, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay, Tổng công ty đã có báo cáo và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các địa phương để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông bằng đường bộ đến các ga lập tàu và từ ga dỡ hàng đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, ông Đặng Sỹ Mạnh bày tỏ lo ngại, từ đầu năm đến nay ngành đường sắt cố gắng cầm cự, lấy vận tải hàng bù vận tải khách. Với tình hình nguồn hàng nguyên vật liệu đầu vào không có, thị trường tiêu thụ tiếp tục giảm mạnh, từ nay đến cuối năm vận tải hàng hóa đường sắt vẫn đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng.

"Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tìm giải pháp nâng cao năng lực vận tải đường sắt; tiếp tục chú trọng đẩy mạnh vận tải hàng hóa. Trong đó, khẩn trương xây dựng sàn giao dịch vận tải; tiếp tục duy trì các chân hàng truyền thống, khách hàng cũ, chú trọng tìm kiếm nguồn hàng, luồng hàng, đối tác mới để nâng cao sản lượng và tăng doanh thu vận tải hàng hóa, bù đắp một phần cho vận tải hành khách", Tổng giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ.

Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do dòng tiền thiếu trầm trọng, vì vậy VNR không thể tiếp tục chi trả lương cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của công ty mẹ (Tổng công ty). Dó đó, phải thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động đối với cán bộ công nhân viên cơ quan tổng công ty, các chi nhánh ga, các chi nhánh đầu máy.

Theo đó, từ 1/9 đến 31/12/2021, khoảng 25% người lao động khối gián tiếp tạm hoãn, kể cả cấp phó trưởng ban, phó giám đốc chi nhánh. Còn đối với lao động trực tiếp, tùy theo đặc điểm, chức năng đơn vị, chức danh và đặc điểm tuyến vận tải để sắp xếp. Dự kiến, giai đoạn này sẽ tạm hoãn hợp đồng với hơn 1.600 lượt lao động.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đang báo cáo cấp có thẩm quyền xin vay 800 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải đường sắt, năm 2020 VNR và các Công ty vận tải đã có văn bản đề xuất gửi các ngân hàng. Đến nay, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã nhận được văn bản chấp thuận điều chỉnh giảm lãi suất vay của một số ngân hàng với số tiền 1,8 tỷ đồng trên tổng dư nợ vay 101 tỷ đồng.

"Chi phí lãi vay là khoản có tỷ trọng cao trong giá thành. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, khoản lãi vay trở thành một gánh nặng do mất dòng tiền. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, giảm lãi vay sâu hơn trong thời gian tới," lãnh đạo Cục Đường sắt kiến nghị.

Cục Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Thông tư 12/2021 của Bộ Tài chính cho các năm tiếp theo. Cụ thể mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được xác định là 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, thay vì 8% như trước.

Bên cạnh đó, Cục Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại VNR và phê duyệt phương án thoái vốn của các đơn vị thành viên trực thuộc để đơn vị này có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo

Ngành Đường sắt lên phương án trở lại sau thời gian ngừng chạy do dịch - Ảnh 2.

Hành khách cần thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K". (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đường sắt lên phương án chạy tàu sau dịch

Sau gần 1 tháng ngừng chạy các chuyến tàu khách trên tất cả các tuyến đường sắt do dịch COVID-19 tại Ga Hà Nội, các nhân viên nhà ga bắt đầu tổng vệ sinh, lau chùi các bề mặt như: bàn ghế, tay nắm cửa, lan can, khu vực trong các toa tàu để phòng, chống dịch bệnh.

Theo lãnh đạo ga Hà Nội, sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách và ở nhiều địa phương dịch bệnh cũng đã được kiểm soát, việc mở lại các tuyến tàu khách sẽ được tính tới, do vậy cần chuẩn bị lên phương án ngay từ bây giờ.

"Chúng tôi đã lên phương án tại các nhà ga khi đón tiếp hành khách trở lại. Trước tiên chúng tôi sẽ chạy tàu từng khu đoạn, ví dụ như tàu Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đà Nẵng. Khi thống nhất trên toàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ tổ chức chạy tàu Thống nhất Hà Nội - TP TP Hồ Chí Minh", bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết.

Theo Tổng Công ty vận tải đường sắt Việt Nam, đơn vị này đang lên kế hoạch cho hoạt động vận tải hành khách trở lại khi có quyết định. Theo đó, hành khách cần thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K". Lái tàu và nhân viên phục vụ phải được đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 cả trước, trong và sau khi kết thúc thời gian làm việc. Đặc biệt, các nhân viên đường sắt đều được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trong bối cảnh các địa phương đang dần nới lỏng giãn cách, Bộ Giao thông Vận tải giao các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên cả 5 lĩnh vực giao thông vận tải với tinh thần khẩn trương, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt, đánh giá kỹ mọi tác động. Phương án tổ chức giao thông lần này sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Nguyễn Thu
Ý kiến của bạn