Ngành Dược Việt Nam đâu tư phát triển nguồn dược liệu thiên nhiên

16-03-2014 09:16 | Thời sự
google news

SKĐS - Với điều kiện thiên nhiên nhiều ưu đãi, Việt Nam có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, có tiềm năng to lớn về tài nguyên cây thuốc. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.

SKĐS - Với điều kiện thiên nhiên nhiều ưu đãi, Việt Nam có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, có tiềm năng to lớn về tài nguyên cây thuốc. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn dược liệu nước ta vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu mà chưa phát huy được hết những tiềm năng thảo dược tự nhiên.

Việt Nam hiện có 4.000 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển, 75 loài khoáng vật và gần 410 loài động vật làm thuốc, trong đó có nhiều loại dược liệu quý được thế giới công nhận như cây hồi, quế, atisô, sâm Ngọc Linh... Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính đạt khoảng 100.000 tấn/năm.Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60-80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Điều này đã cho thấy nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Tuy nhiên bên cạnh tiềm năng như vậy thì việc phát triển nguồn dược liệu trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

 

Ngành Dược Việt Nam đâu tư phát triển nguôn dược liệu thiên nhiên

Ngành Dược Việt Nam đâu tư phát triển nguôn dược liệu thiên nhiên

 

Theo Quyết định 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Hiện nay, trên cả nước đã có một số trung tâm được gây dựng để thu thập và bảo tồn các loại dược liệu của Việt Nam như Vườn cây thuốc Yên Tử (Do ĐH Dược Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị sở tại tổ chức), hay Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (thuộc quản lý của Vườn Dược liệu - Bộ Y tế)... Ra đời từ năm 2012, sau hơn một năm hoạt động, Vườn cây thuốc Yên Tử đã sưu tập, bảo tồn được hơn 500 loài dược liệu và được quy hoạch thành những lô, thửa khác nhau. Tiến sĩ Trần Văn Ơn - Đại học Dược Hà Nội - là chủ nhiệm của dự án Vườn cây thuốc Yên Tử cho biết: “Với diện tích trên 5 ha, trong đó gần 3 ha trồng 512 loài cây thuốc được thu thập từ 14 tỉnh phía Bắc, hiện nay Vườn cây thuốc Yên Tử đang là vườn thực vật, vườn cây thuốc lớn nhất ở Việt Nam”. Còn nói về Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, ông Ngô Quốc Luật - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Chức năng và nhiệm vụ của trung tâm là tạo ra các giống cây thuốc có khả năng phù hợp với điều kiện khí tượng thuỷ văn cũng như đất đai để tạo ra nguồn nguyên liệu làm thuốc. Là một trong ba đơn vị có vườn thuốc lớn nhất cả nước, hiện nay Trung tâm đang lưu giữ gần 400 cây thuốc từ những thuốc di thực nhập nội, các cây thuốc nguyên sinh của các tỉnh đưa về, và các giống cây thuốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Tuy nhiên để đáp ứng được nhu cầu thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với việc đảm bảo quy trình sản xuất nguồn dược liệu sạch theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Nói về việc phát triển nguồn dược liệu trong nước, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết : “Theo chiến lược của đề án phát triển ngành Dược đến năm 2030 chúng ta phải hoàn thành 4 mục tiêu: Mục tiêu thứ nhất phát triển bền vững, mục tiêu thứ hai là gắn dược liệu vào sản xuất công nghiệp, mục tiêu thứ 3 là phải có đầu tư của nhà nước về chính sách về nghiên cứu cây trồng, bảo tồn bảo tàng và mục tiêu cuối cùng là xã hội hóa để các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là sự kết hợp 4 nhà gồm: nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý còn chưa chặt chẽ cũng là nguyên nhân dẫn tới những hạn chế của sự phát triển nguồn dược liệu trong nước”.

Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai quy hoạch để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường khả năng xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trong nước bởi nguồn nguyên liệu chính là nền tảng vững chắc để ngành Dược Việt Nam có thể phát triển trong tương lai. Chương trình Con đường Thuốc Việt số 4 phát sóng trên VTV1 vào thứ 7 ngày 15/03/2014 cung cấp cho người dân cái nhìn toàn cảnh về thực trạng phát triển nguồn nguyên dược liệu ở nước ta hiện nay. Số thứ 5 sắp tới, chương trình sẽ lý giải vì sao nguồn dược liệu của Việt Nam lại có giá trị cao như thế trong tiến trình phát triển của ngành Dược với chủ đề: “Thuốc từ dược liệu”.

 

 

 

 


Ý kiến của bạn