Tập trung vào du lịch nội địa
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong 2 năm (2020, 2021), các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Ngành du lịch đang chuẩn bị kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch, lữ hành tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ: Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, thời điểm hiện tại cần tập trung vào du lịch nội địa. An toàn phải trở thành tiêu chí cơ bản đối với hoạt động du lịch. Kết nối du khách từ "vùng xanh" tới "điểm đến xanh".
"Nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định rất rõ mức độ nguy cơ thành 4 vùng, các địa phương cần cập nhật các vùng, khu vực, điểm đến an toàn để làm căn cứ triển khai các hoạt động du lịch. Những điểm đến đã an toàn cần cho phép mở lại các hoạt động dịch vụ, văn hoá ở mức độ phù hợp, có kiểm soát", ông Vũ Thế Bình kiến nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ VHTT&DL phải ban hành ngay hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch rất cụ thể, chi tiết như: Phương thức vận tải; điều kiện hoạt động trong các khu tham quan, cơ sở lưu trú, dịch vụ; phương thức xét nghiệm; hợp đồng với các cơ sở y tế để giám sát, xử lý ngay khi phát hiện ca nhiễm nhanh nhất, gọn nhất… Các hiệp hội du lịch cần có quy định đồng bộ với hướng dẫn của Bộ, khuyến khích DN thành viên thực hiện để hoạt động trở lại từng bước chắc chắn, an toàn.
"Tất cả các hoạt động du lịch từ đi lại, lưu trú, dịch vụ, ăn uống… phải tuân thủ đúng 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách", Phó Thủ tướng lưu ý.
“Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021 đối với ngành du lịch Thủ đô là rất nặng nề. Từ đầu năm đến tháng 9/2021, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch; đặc biệt từ tháng 7 vừa qua TP đã thực hiện giãn cách hội phòng, chống dịch COVID-19, nên các điểm đến di tích, văn hóa phải đóng cửa, các điểm du lịch vui chơi, giải trí đang tạm dừng hoạt động… vì vậy không đón khách du lịch quốc tế đến Hà Nội.
Dịch COVID-19 đã khiến 1.550 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề. Trên 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Để ngành du lịch hồi phục trở lại, Sở Du lịch Hà Nội đã tham mưu với UBND TP Hà Nội xây dựng chi tiết Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô gắn với phòng, chống dịch COVID-19 từ nay đến cuối năm.
Dự kiến trong tháng 10/2021 nếu TP phê duyệt, Sở Du lịch sẽ triển khai mở cửa theo giai đoạn 3, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển được hoạt động trở lại. Trong giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch là người dân Hà Nội tham gia các tour "Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội". Tháng 11 áp dụng các biện pháp mở cửa và phục hồi theo giai đoạn 3 và 4 dựa theo đánh giá tình hình thực tế. Cho phép các đơn vị du lịch đón khách trong địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh.
Sau khi TP Hà Nội chuyển sang giai đoạn "bình thường mới", đơn vị sẽ đánh giá tình hình từ đó kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép " mở cửa" du lịch theo giai đoạn 4 vào tháng 12. Cũng trong thời gian này Sở Du lịch sẽ tổ chức Lễ hội quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2021 tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Để thực hiện kế hoạch hiệu quả, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp, gồm: Xây dựng điểm đến an toàn và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin làm đa dạng các sản phẩm mới phục vụ thu hút khách du lịch nội địa; Tổ chức các hoạt động, sự kiện, chuyển đổi số ngành Du lịch; Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn cho du khách và cơ sở du lịch.
Có thể nói những giải pháp này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động bình thường, đón khách du lịch tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên các doanh nghiệp du lịch trong quá trình tổ chức tour vẫn phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.