Các hãng ô tô tại Việt Nam đồng lòng, góp sức chống dịch
Tại đợt thứ tư dịch COVID-19 quay lại với những diễn biến phức tạp, vào ngày 26/5/2021, Chính phủ đã thành lập "Quỹ vaccine phòng COVID-19" theo hình thức đóng góp tự nguyện giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm phục vụ công tác tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người dân.
Là một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ô tô xe máy tại Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam ngay lập tức ủng hộ số tiền 12 tỉ đồng cho "Quỹ vaccine phòng COVID-19".
"Thông qua việc ủng hộ "Quỹ vaccine phòng COVID-19", Honda Việt Nam mong muốn tích cực chung tay cùng Chính phủ và người dân Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và góp phần đưa vaccine đến gần hơn với người dân Việt Nam", ông Lê Hữu Phúc - Phó tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam chia sẻ.
Cũng tham dự buổi ra mắt "Quỹ vaccine phòng COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, công ty Toyota Việt Nam đã ủng hộ số tiền 10 tỷ đồng cho quỹ.
Trước đó, trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Toyota Việt Nam đã đóng góp thông qua Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 10 tỷ đồng, hỗ trợ Chính phủ công tác phòng chống dịch, ủng hộ tỉnh Vĩnh Phúc các trang thiết bị y tế (bao gồm máy xét nghiệm nhanh COVID-19 RT-PCR, máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn…) trị giá 2,67 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc công ty Toyota Việt Nam, ngay sau khi Bộ Y tế công bố tình trạng dịch bệnh trên toàn quốc, công ty đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết tại các địa điểm làm việc của công ty. Thông báo đến đại lý và nhà cung cấp các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao ý thức cộng đồng, thường xuyên cập nhật tình hình thực hiện để đảm bảo an toàn và tránh dịch lây lan. Đặc biệt, công ty tuyệt đối tuân thủ các quy định và hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan.
Trong khi đó, chương trình "Chung tay phòng chống dịch" của THACO - Tập đoàn công nghiệp đa ngành với các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam đã chi hơn 800 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 trong cả nước.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO cho biết: Trong đợt dịch bệnh lần thứ tư với diễn biến khó lường do biến chủng mới gây ra, TP HCM áp dụng giãn cách xã hội triệt để "ai ở đâu ở yên đó". Nhằm tiến hành công tác xét nghiệm nhanh, truy vết, sàng lọc F0 để điều trị sớm cho các bệnh nhân bị nhiễm và cấp cứu chuyển viện kịp thời cho bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng, đồng thời đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine cho người dân trong toàn thành phố, THACO đã tài trợ TPHCM 500.000 bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, 30 xe cứu thương, hỗ trợ 25 xe tiêm chủng vaccine cơ động.
Ngoài ra, trước đó công ty cũng đã tài trợ nhiều vật tư y tế cùng tiền mặt cho bệnh viện Chợ Rẫy; suất ăn dinh dưỡng cho các bệnh viện dã chiến, 2 bồn oxy và 2000 bộ van điều áp và tạo ẩm oxy cho bệnh viện Thủ Đức, bệnh viện Quận 6 với tổng giá trị tài trợ là 161 tỷ đồng.
Mới đây nhất, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch từ Công ty Cổ phần Liên doanh ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam 10 xe cứu thương trị giá 10,8 tỷ đồng.
"Trước sự bùng phát trở lại của biến thể Delta tại Việt Nam với số người nhiễm tăng lên từng ngày, ý thức được tinh thần trách nhiệm của mình với cộng đồng, Huyndai Thành Công đã gấp rút sản xuất 10 chiếc xe cứu thương với mong muốn có thêm phương tiện vận chuyển những bệnh nhân nặng tới các bệnh viện cứu chữa. Chúng tôi hy vọng chương trình này phần nào giảm bớt khó khăn cho người lao động; đồng thời lan toả những thông điệp tốt đẹp với mong muốn cùng nắm tay nhau vượt qua đại dịch và hiện thực hóa cam kết về sự gắn bó phát triển bền vững của doanh nghiệp với ngành công nghiệp ô tô nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung", ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ.
Tìm cơ hội trong thách thức
Theo các con số thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sức mua ô tô trên toàn thị trường trong những tháng qua tiếp tục giảm sâu, giảm mạnh.
Cụ thể, tháng 4/2021, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường bất ngờ chững lại và giảm nhẹ so với tháng liền kề trước đó, đạt 30.065 chiếc. Sang đến tháng 5, sức mua ô tô tiếp tục giảm với với tốc độ đi xuống nhanh hơn, chỉ còn đạt 25.585 xe bán ra thị trường. Đà xuống dốc có phần được hãm lại trong tháng 6 khi lượng xe bán ra thị trường đạt 23.587 chiếc. Tưởng chừng như đó sẽ là một tín hiệu khích lệ và con đường dốc xuống chỉ là đoạn ngắn. Tuy nhiên, sang đến tháng 7 thì "cỗ xe" thị trường ô tô lại có có cú đổ đèo không phanh khi sức mua sụt giảm rất sâu xuống còn vẻn vẹn 16.035 chiếc.
Đến tháng 8 và tháng 9, tiêu thụ ô tô hầu như "đóng băng" tại hai thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số tỉnh do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp ô tô đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ kéo dài, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp nhằm hỗ trợ.
Trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề cập đến hai giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ ngành ô tô, bao gồm giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Theo đánh giá, đây sẽ là những giải pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vượt qua khó khăn. Thực tế cũng cho thấy, chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô CKD áp dụng từ ngày 28/6/2020 cho đến hết ngày 31/12/2020 theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP đã góp phần rất lớn giúp ổn định sức mua ô tô trên thị trường.
Bộ Tài chính cho biết, sau khi tổng kết việc thực hiện Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, nhờ việc giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm ngoái, tổng số thuế, phí của doanh nghiệp ô tô đóng góp vào ngân sách đã tăng khoảng 11.200 tỷ đồng. Có thể thấy chính sách đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, kích thích nhu cầu mua xe ô tô của các tổ chức, cá nhân; đồng thời góp phần ổn định nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đại diện các hãng ô tô lớn tại Việt Nam cho biết, từ nay đến hết năm 2021, thị trường mua mua sắm ô tô không còn là lựa chọn ưu tiên mà thay vào đó là các nhu cầu cơ bản để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sau dịch COVID-19. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành công nghiệp ô tô lấy đà phục hồi, đặc biệt tổ chức lại sản xuất, kinh doanh phù hợp với cuộc sống "bình thường mới".
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.