Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, BHXH Việt Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh, chủ động, sáng tạo của các tập thể và công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH Việt Nam tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, nhất là các đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn, đảm bảo 100% người nghèo, người có công, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT; đồng thời đề xuất các giải pháp vận động, quyên góp, ủng hộ phần kinh phí chưa được ngân sách Nhà nước hỗ trợ để người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc diện chính sách xã hội được tham gia BHYT.
Công tác cải cách TTHC đạt được nhiều bước tiến quan trọng.
Kết quả, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm đều tăng vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: Hết năm 2019, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 86,5 triệu người (tăng 10,5 triệu người so với năm 2016); tính đến 30/9/2020 là 86,7 triệu người, đạt 98,49% kế hoạch.
Số người tham gia BHXH là 15,5 triệu người, trong đó có: 844,7 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện (số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo là trên 6,5 nghìn người, chiếm 1,13% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo là 9,7 nghìn người, chiếm 1,7% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện). Đặc biệt, riêng số người mới tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 tăng gấp 2 lần giai đoạn 10 năm trước từ 2008-2018.
Số người tham gia BHYT là 86,7 triệu người, đạt tỷ lệ 89,6% dân số, trong đó có: Hơn 2 triệu người thuộc đối tượng người nghèo; 1,7 triệu người thuộc đối tượng người cận nghèo.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân dẫn đến công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện đồng bộ mọi giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020, BHXH Việt Nam đã tổ chức 2 lễ ra quân trên phạm vi toàn quốc với chủ đề “Hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện” và “Hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” nhằm tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Kết quả, chỉ sau 4 ngày triển khai 2 lễ ra quân, cả nước đã vận động được 60.000 người tham gia BHXH tự nguyện và gần 64.000 tham gia BHYT hộ gia đình.
Số thu BHXH, BHYT, BHTN từ năm 2016-2019 đều đạt và vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cụ thể: Năm 2016 đạt 101,5% kế hoạch; năm 2019 đạt 102,4% kế hoạch và tính đến 31/8/2020, đạt 60,34% kế hoạch.
Các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định; quyền lợi của người tham gia ngày càng được nâng cao. Năm 2019, giải quyết cho 12,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, tăng 44% so với năm 2016; thanh toán chi phí KCB BHYT cho 184 triệu lượt người, tăng 26% so với năm 2016.
Ứng dụng mạnh mẽ CNTT để giảm bớt thủ tục hành chính đảm bảo việc chi trả cho người hưởng được thực hiện nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, đúng quy định. Hiện toàn ngành BHXH Việt Nam thực hiện chi trả khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; trong đó 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt, khoảng 600 nghìn người nhận qua tài khoản cá nhân.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả nghiệp vụ của ngành, nổi bật như: Triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử BHXH; Hệ thống giao dịch điện tử cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Ứng dụng, sử dụng trí tuệ nhân tạo (chatbot) trong trả lời, giải đáp người dân, doanh nghiệp về chế độ, chính sách BHXH. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối liên thông với 100% cơ sở KCB BHYT trong toàn quốc và đã tiếp nhận đầy đủ dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT của các cơ sở KCB BHYT.
Công tác cải cách TTHC đạt được nhiều bước tiến quan trọng: Đã giảm từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 32 thủ tục (năm 2016) và còn 27 thủ tục (năm 2019). Nhiều TTHC đã rút ngắn thời gian giải quyết như: Thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày xuống còn không quá 5 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; Riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp, không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định... Với việc thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi, trả thì số lần thực hiện giao dịch bình quân giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm...