Ngành bảo hiểm xã hội: Sẵn sàng, chuyên nghiệp cho những bước tiến mới

08-02-2019 09:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Năm 2018, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, kế hoạch được giao, nhất là chỉ tiêu về thu, giảm nợ, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, thực hiện kịp thời, đúng quy định các chế độ cho người thụ hưởng, đạt kết quả ấn tượng trong cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)... Đây là những tiền đề để năm 2019 toàn ngành tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công việc, lập thành tích hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam.

Điểm sáng trong triển khai thực hiện CCTTHC

Theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2018, ngành BHXH tiếp tục đạt những kết quả ấn tượng trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đến hết tháng 12/2018, toàn quốc có 14,7 triệu người tham gia BHXH, hơn 83,5 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 87,7% dân số ) - vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2018, tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp toàn ngành là 332.006 tỷ đồng. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu. Hiện toàn quốc cấp được 14,5 triệu sổ BHXH, đạt tỷ lệ 99,35% tổng số đối tượng tham gia BHXH. Tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc được cấp thẻ là 82,25 triệu người.

Ngành BHXH Việt Nam luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính.

Ngành BHXH Việt Nam luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, toàn ngành đã giải quyết 101.766 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết cho 676.605 người hưởng trợ cấp một lần; 8.025.482 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho hơn 146 triệu lượt người. Phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp; bàn giao 13,24 triệu sổ BHXH cho người lao động quản lý (đạt gần 100% số lao động đang tham gia BHXH);

Để đạt được kết quả đó, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT được triển khai quyết liệt, hiệu quả; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện rà soát các TTHC đã ban hành và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản của ngành, kịp thời loại bỏ hoặc sửa đổi thủ tục không phù hợp; thực hiện công bố công khai danh mục 28 TTHC mới trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam. Vận hành Hệ thống Một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn...

Công tác CCTTHC và ứng dụng CNTT của BHXH tiếp tục có bước tiến vượt bậc; đã giảm thời gian nộp BHXH của doanh nghiệp từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ; giảm từ 115 TTHC xuống còn 28 thủ tục. Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm Dịch vụ khách hàng tiếp tục được hoàn thiện, góp phần tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động.

Liên quan đến công tác CCTTHC của ngành BHXH trong năm qua, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác đã chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng Chính phủ về 5 vấn đề lớn mà ngành BHXH đã làm được trong thời gian qua, đó là: Đã sớm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đã có giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT; đã triển khai có hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng bảo hiểm; công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT đã có nhiều chuyển biến, bước đầu đã đem lại kết quả tích cực...; trong đó đặc biệt nhấn mạnh là về tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách và hiệu quả cải cách, tác động rõ rệt tới kinh tế xã hội đất nước, tạo công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan BHXH, người dân và DN.

Đồng thời, qua kết quả kiểm tra công tác cải cách hành chính tại BHXH Việt Nam, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng đã đánh giá: BHXH Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ CCTTHC, được cộng đồng DN và các tổ chức chuyên ngành trong, ngoài nước đánh giá cao, trở thành một điểm sáng trong triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ; việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ cũng như trong giao dịch, giải quyết TTHC được người dân, tổ chức đánh giá cao.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển đối tượng, đổi mới phong cách phục vụ

Theo mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW, đến năm 2021, toàn quốc có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với DN đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%...

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhận định, năm 2019 vẫn là những công việc, nhiệm vụ nặng nề với ngành BHXH đòi hỏi các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các tỉnh, thành phố phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để hoàn thành các đề án, dự án, nhiệm vụ được giao. Theo đó, cần phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp với từng vùng miền, nhóm đối tượng, thu hút được nhóm đối tượng lao động phi chính thức tham gia BHXH, BHYT. Xác định rõ vai trò của công tác thu và phát triển đối tượng tham gia; tính toán, xác định rõ nguồn thu của từng quỹ thành phần, giúp đảm bảo cân đối các quỹ theo hướng bền vững; công khai, minh bạch các quy trình TTHC.

Trong năm 2019, sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Theo đó, chú trọng phân loại, phân nhóm địa phương để giao chỉ tiêu phù hợp. Về phát triển đối tượng cần đặc biệt quan tâm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bằng mở rộng hệ thống đại lý như hệ thống của ngành bưu điện. Việc cập nhật tăng giảm dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cần phải đẩy nhanh tiến độ, thực hiện thường xuyên, liên tục. Đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp qua tổ chức dịch vụ công ích của Nhà nước, qua dịch vụ ATM nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân.  Đẩy mạnh thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, kiên quyết từ chối thanh toán chi phí bất hợp lý, không đúng quy định.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp và trong năm 2019 sẽ thí điểm ở một số địa phương việc cấp thẻ BHYT điện tử. Việc này giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh, thời gian giám định và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT. Đồng thời, góp phần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục như: In, gia hạn thẻ, đổi thẻ, thu hồi thẻ... giúp giảm phiền hà cho người dân và DN.

Bên cạnh đó, cần không ngừng nghiên cứu, thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối các phần mềm. Phấn đấu hết năm 2019, ngành BHXH thực hiện được thanh toán điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, đạt cấp độ 4 về ứng dụng CNTT; hầu hết các văn bản của ngành được sử dụng dưới dạng điện tử... Đồng thời, ngành cũng sẽ triển khai 8 dịch vụ trên nền tảng ứng dụng CNTT gồm: chăm sóc hỗ trợ khách hàng; ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng trang Fanpage của ngành BHXH; xây dựng chuyên trang hỗ trợ người dân, tổ chức và DN; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và DN; thanh toán điện tử; ứng dụng qua di động và qua tin nhắn thương hiệu... Qua đó, giúp người tham gia có thể tra cứu quá trình đóng - hưởng BHXH, BHYT; thông tin thẻ BHYT; lịch sử khám chữa bệnh BHYT... nhằm tăng tính tương tác với người tham gia.

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, năm 2019 là năm khởi đầu cho việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH; năm tập trung hoàn thiện hàng loạt các đề án, dự án về CNTT, cải cách hành chính, đổi mới phong cách phục vụ theo hướng “hiện đại, chuyên nghiệp tiến tới sự hài lòng của DN người dân”. Do đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tập trung cao độ, quyết liệt triển khai công việc ngay từ những ngày đầu năm 2019, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn