Có lẽ mùa Thu Hà Nội là mùa Thu đẹp nhất của cả nước. Mùa đã gợi bao thi hứng cho các văn nghệ sĩ. Có một hương hoa sữa trên phố Nguyễn Du trong ca khúc “Hoa sữa” nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng. Có một: “Hà Nội mùa thu - Cây cơm nguội vàng - Cây bàng lá đỏ” của Trịnh Công Sơn. Một Hà Nội lịch lãm, hào hoa cốt cách của người Tràng An. Một Hà Nội phố cổ: Phố Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Bông,... của 36 số phường. Một Hà Nội ngõ: có ngõ Tạm Thương như một ứng xử hài hòa trong cuộc sống. Một Hà Nội hoa: hoa đào Nhật Tân, chợ hoa họp từ sáng sớm. Một Hà Nội cầu: cầu Long Biên bắc qua ba thế kỷ. Một Hà Nội sông: sông Hồng như một thanh gươm cài ngang hông thành phố. Một Hà Nội ẩm thực thật tinh tế với: phở Bát Đàn, chả cá Lã Vọng... Một Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả nước. Ở đó có Quảng trường Ba Đình lịch sử, có Lăng Bác như một đài hoa.
Tháng Mười - Mùa Thu Hà Nội càng đẹp hơn, tươi sắc hơn bởi ánh cờ đỏ sao vàng tung bay trên các đường phố, trên mỗi cột đèn bên những hàng cây xanh cổ thụ gợi lại không khí hùng tráng khi năm cửa ô xòe ra đón đoàn quân chiến thắng trở về. Các anh vệ quốc quân mũ nan, áo trấn thủ, vũ khí thô sơ năm nào, nay trong đội hình chính quy, quân phục chỉnh tề rập bước chân trên đường phố trong tiếng hoan hô, chào đón của mọi người, của mỗi ô cửa mở tung thổi cả sắc hồng ngọn gió. Nơi đây, năm 1946 các chiến sĩ trung đoàn Thủ đô đã chiến đấu kiên cường, bám trụ từng ngõ phố, góc nhà chặn bước chân quân giặc. Một Hà Nội của 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” bắn hạ hàng chục pháo đài bay B52.
Những ngày này, đi trên đường phố Hà Nội tươi rói những panô, áp phích chào mừng đại hội Đảng toàn quốc sắp tới. Vẫn một Hà Nội cổ kính mà hiện đại. Đường Thanh Niên vòng quanh Hồ Tây với những tà áo dài làm mềm cả nắng thu. Hương sen mùa hạ vẫn còn phảng phất, tiếng chuông chùa Trấn Quốc thong thả nhịp trầm những vòng sóng tâm linh bình yên. Mùa Thu Hà Nội thật rõ rệt bởi sự đổi thay cung bậc của không gian địa lý, thời gian lịch sử và tâm trạng con người. Hà Nội thu có gì cổ điển, gợi nhớ khi lòng người lắng lại tĩnh tâm. Hà Nội của 1.000 năm có cả bề dày trầm tích văn hóa lịch sử. Hoàng thành Thăng Long - nền móng thẳm sâu cội nguồn được khai quật và gìn giữ như một báu vật thiêng liêng. Từ Thăng Long xưa đến Hà Nội nay. Phố cổ nhấp nhô, sóng trầm ngói cũ bên những công trình lấp lóa cửa kính ánh nắng mặt trời. Rồng thiêng Hà Nội bay lên từ bệ phóng của: “Hà Nội đó niềm tin và hy vọng” như tên một khúc ca nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Nhân. Trong những ngày thu này, ta chợt nghe âm vang vọng lại hùng tráng âm hưởng “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây - Đây lắng hồn núi sông ngàn năm - Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội -Hà Nội mến yêu!”...
Mùa Thu nay ta đi giữa lòng Hà Nội thu vào lòng mình bao cảm xúc. Thu Hà Nội lá rụng về cội - lá lại lật nắng thu vàng như ánh hào quang. Tháng Mười Hà Nội có hai mùa Thu: thu thiên nhiên và thu lịch sử. Thu của ngày Giải phóng Thủ đô, thu của lòng người hướng tâm về trái tim cả nước...
Hà Tĩnh, ngày 3/10/2015
Tản văn của Nguyễn Ngọc Phú