Hồ chứa trước rủi ro thiên tai ngày càng khốc liệt
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm vừa qua, đặc biệt trong cơn bão số 3 Yagi, lực lượng phòng, chống thiên tai đã phải đối mặt với các tình huống khó khăn nhất trong nhiều năm qua:
"Căng thẳng nhất là những ngày từ 09-11/9 khi liên tục các thông tin về sự thiệt hại, mất mát lớn về người do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái,… báo cáo về", ông Tiến chia sẻ.
Lũ lớn, đặc biệt lớn vượt lịch sử xuất hiện trên nhiều tuyến sông và gây ra 805 sự cố trên địa bàn 15 tỉnh/thành phố với rất nhiều loại hình sự cố như sự cố cống, sạt lở mái, thân đê, lỗ rò, đùn sủi… Trong đó, có đến 99 sự cố cống, là loại sự cố nguy hiểm uy hiếp đến an toàn đê, điển hình như sự cố lùng mang cống tiêu Nổ Thôn, đê tả Mã, tỉnh Thanh Hóa. Đây là sự cố đặc biệt nguy hiểm, có diễn biến phức tạp, nếu không kịp thời xử lý sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ đê.
Trong các ngày từ 10-12/9 có thời điểm hồ Thác Bà đạt mực nước 59,84m, đã vượt mực nước dâng bình thường 1,84m; lưu lượng về hồ rất lớn đạt 5.620 m3/s, vượt quá năng lực xả tối đa của hồ là 3.225m3/s (gấp 1,74 lần).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nghiên cứu phương án xử lý nếu mực nước hồ tiếp tục tăng lên mực nước lũ kiểm tra như dự báo; đồng thời hồ Tuyên Quang lũ về rất lớn (trên 6.000 m3/s), gần đạt mực nước dâng bình thường và hồ đã phải mở toàn bộ 8 cửa xả đáy (ngày 9/9). Những công tình hồ chứa này nếu bị sự cố thì sẽ là thảm hoạ cho vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Quy Hoạch cho biết trong năm qua đã xuất hiện những cơn bão, lũ lớn bất thường. Các nhà máy thủy điện trên sông Đà, sông Chảy, sông Gâm đã không thể cắt lũ, hay làm chậm lũ cho vùng hạ lưu công trình. Vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, chúng ta cần vận hành hệ thống thủy điện như thế nào là câu hỏi cần trả lời.
Trong vòng hai ngày (8 và 9/9), tổng lượng mưa ở vùng núi và trung du phía Bắc lên đến mức 350-400mm, nhiều nơi vượt quá 500-600mm, vượt qua kỷ lục mưa lớn nhất từng ghi nhận sau bão Hagupit (năm 2008). Bão số 3 tan ngày 9/9, đồng thời các tỉnh Đông Bắc bộ phải đối mặt những trận mưa lớn, kéo dài kỷ lục.
Do mưa lớn, khu vực Bắc bộ xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng (hầu hết các sông vượt báo động 3). Trong đó, lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến (sông Thao, sông Đáy, sông Cầu, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Trà Lý). Tại Hà Nội cũng ghi nhận mực nước sông Hồng cao nhất trong 20 năm gần đây.
Riêng khu vực rừng núi Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái đón một lượng mưa rất lớn, khiến nước đổ về hồ Thác Bà tăng liên tục. Đỉnh lũ lên tới trên 5.620 m3/s, vượt trên mức thiết kế của công trình (5.100 m3/s), đe dọa đến an toàn của công trình, đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.
Cách gì để ngăn thảm họa cho hạ du?
TS Nguyễn Quy Hoạch cho biết, số liệu thống kê cho thấy, vào ngày 11/9, mực nước về hồ Thác Bà đạt mức cao nhất là 59,83m, cao hơn mực nước dâng bình thường là 1,83m, nhưng còn thấp hơn mực nước lũ thiết kế cao nhất (ứng với tần suất P=0,01% là 61m). Sau đó giảm dần theo thời gian và từ ngày 16 đến 19/9, đạt ngưỡng mực nước dâng bình thường là 58m.
"Vào thời điểm này, trên các trang mạng loan tin đập Thác Bà có nguy cơ bị vỡ, nhưng thực tế các công trình đập dâng vẫn đảm bảo an toàn. Bởi cao trình đập chính và các đập phụ đều ở cốt 63m, cao hơn 3,17m so với mực nước lũ lớn nhất vào thời điểm ngày 11/9", TS Nguyễn Quy Hoạch cho biết.
Đối với Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, lưu lượng về hồ lớn nhất là 6.966 m3/s (lúc 9h ngày 9/9). Hồ Tuyên Quang bắt đầu tiến hành xả sâu từ ngày 8 đến 15/9 để giữ mực nước đến hồ không quá mực nước dâng bình thường 120m. Đặc biệt, ngày 9/9 xả 4.939 m3 qua 8 cửa xả sâu và ngày 10/9 xả thừa 3.675 m3 qua 6 cửa xả sâu.
Trong các ngày 8 -9/9, cả 3 hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đều xả lũ để giữ mực nước đến hồ không vượt quá mực nước dâng bình thường và các ngày tiếp theo. (Hồ Thác Bà đến ngày 19 và hồ Tuyên Quang tiếp tục xả lũ đến ngày 16/9).
"Việc không giữ được lưu lượng đến tại các hồ thủy điện khi dung tích phòng lũ không còn, thì vai trò cắt lũ, hay làm chậm lũ cho hạ lưu sông Hồng, đặc biệt là khu vực Hà Nội đã không thực hiện được. Lần gần đây nhất, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt báo động 3 (kể từ năm 1994) là 11,67m vào ngày 17/8/2002, và ngày 10/9/2024 đã đạt mức 11,22m. Hậu quả là gây ngập các phường Phúc Tân, Phúc Xá của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội", TS Nguyễn Quy Hoạch nhận định.
Siêu bão Yagi tuy xuất hiện cuối mùa mưa bão năm 2024, nhưng với cường độ mạnh đã gây những thiệt hại rất lớn đối với nền kinh tế nước ta. Các nhà máy thủy điện trong lưu vực sông Đà, sông Gâm, sông Chảy đã vận hành an toàn công trình, không để mực nước trong hồ vượt quá mực nước thiết kế lớn nhất. Nhưng vai trò cắt lũ, hoặc làm chậm lũ cho hạ lưu đồng bằng sông Hồng, cũng như khu vực Hà Nội đã chưa đạt yêu cầu so với nhiệm vụ và khả năng công trình.
Theo TS Nguyễn Quy Hoạch, để công tác vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần thiết phải thay đổi Quy trình vận hành liên hồ lưu vực sông Hồng nói riêng, cũng như Quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ tại các lưu vực sông khác trên cả nước theo hướng linh hoạt.
Theo đó, công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong vận hành các công trình thủy điện để ứng phó với thiên tai. Việc dự báo chính xác thời tiết và lượng mưa từng thời điểm trong cả năm theo thời gian thực sẽ giúp cho việc vận hành các công trình thủy điện an toàn và hiệu quả.
Tiếp tục đầu tư trang thiết bị dự báo tiên tiến, áp dụng AI trong dự báo thời tiết, năng cao năng lực dự báo bão và mưa lũ để ứng phó với thiên nhiên trong điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi cực đoan.
Ngoài ra, khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo (như gió, mặt trời) ngày càng tăng trong cơ cấu nguồn, đồng thời sẽ áp dụng giá điện hai thành phần, thì bài toán vận hành hồ chứa thủy điện độc lập, hay hệ thống bậc thang thủy điện với mục tiêu dài hạn tối ưu điện năng sẽ thay đổi, có thể là mục tiêu tối ưu lợi nhuận. Do đó, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá chính xác, phù hợp với điều kiện vận hành thực tế của hệ thống điện Việt Nam.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chiến lược và giải pháp tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng tại Việt Nam | SKĐS