Ngân sách cho y tế không tăng nhanh bằng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân

20-07-2022 21:11 | Y tế

SKĐS - Thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19 cho thấy hệ thống y tế bị ảnh hưởng nặng nề trước sự tấn công của dịch bệnh song hành với những thách thức vốn dĩ từ trước như gánh nặng bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số, sự hạn chế của năng lực y tế cơ sở, thiếu hụt nhân viên y tế...

Tại lễ ký kết Bản ghi nhớ "Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của Hệ thống Y tế Việt Nam", diễn ra ngày 20/7 tại Hà Nội, lãnh đạo ngành y tế cùng các chuyên gia y tế đã chỉ ra nhiều thách thức đối với tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam.

Tốc độ gia tăng ngân sách cho y tế không tăng nhanh bằng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân - Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ "Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của Hệ thống Y tế Việt Nam"

Hệ thống y tế bị ảnh hưởng nặng nề trước sự tấn công của dịch bệnh

Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Trong thời gian vừa qua, ngành Y tế Việt Nam đã tập trung thực hiện nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phòng chống đại dịch COVID-19 cùng cả nước vượt qua những thách thức chưa từng có trong tiền lệ.

Trải qua các đợt dịch với mức độ gia tăng về tính phức tạp và khó khăn, cho đến nay hệ thống y tế Việt Nam đã cho thấy khả năng ứng phó và chống chịu để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

"Tuy nhiên, thực tế công tác phòng chống dịch vừa qua cho thấy hệ thống y tế bị ảnh hưởng nặng nề trước sự tấn công của dịch bệnh song hành với những thách thức vốn dĩ từ trước như gánh nặng bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số, sự hạn chế của năng lực y tế cơ sở, thiếu hụt nhân viên y tế…"- Thứ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn nói.

Để hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nằm trong Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) mà Chính phủ đã cam kết thực hiện, hệ thống y tế Việt Nam cần được tăng cường toàn diện, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, hướng đến một hệ thống công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của toàn thể nhân dân.

Do đó, cần thiết đánh giá toàn diện hiện trạng của hệ thống y tế Việt Nam và rút ra những bài học từ kinh nghiệm của đất nước trong việc ứng phó với COVID-19, tiếp tục củng cố hệ thống y tế Việt Nam để đảm bảo sự phát triển bền vững và duy trì khả năng đáp ứng với các khó khăn, thách thức trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong 8 nước đầu tiên tiến hành đánh giá tính bền vững và tính chống chịu của hệ thống y tế, từ đó đề xuất các khuyến nghị giúp hệ thống y tế nâng cao năng lực dự báo, chuẩn bị, đương đầu và thích nghi với những thử thách, khủng hoảng y tế trong tương lai.

"Tôi đánh giá cao những khuyến nghị phù hợp, hữu ích được đề xuất từ báo cáo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam, đặc biệt các khuyến nghị liên quan đến việc tăng tính bền vững của tài chính y tế; tăng cường khả năng chống chịu, ứng phó với đại dịch trong tương lai của hệ thống y tế Việt Nam; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại các cơ sở y tế"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Tốc độ gia tăng ngân sách cho y tế không tăng nhanh bằng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân - Ảnh 3.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi lễ

Tăng cường tính bền vững về tài chính của hệ thống y tế Việt Nam

Tại lễ ký kết, TS Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, đại dịch đã cho chúng ta cơ hội nhìn nhận một cách khách quan, sâu sắc những điểm mạnh và hạn chế của hệ thống y tế.

"Qua chương trình hợp tác này, chúng tôi mong muốn sẽ cung cấp các bằng chứng có giá trị cho xây dựng chính sách y tế để phục hồi hệ thống y tế Việt Nam sau đại dịch và chuẩn bị sẵn sàng khi các dịch bệnh khác xuất hiện"- TS Trần Thị Mai Oanh nhận định.

Theo báo cáo "Tính bền vững và Khả năng chống chịu của Hệ thống Y tế Việt Nam", tính bền vững về tài chính của hệ thống y tế Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, cụ thể:

  • Nguồn tài chính cho chi tiêu y tế chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước và bảo hiểm. Mặc dù nhận được sự ưu tiên của Chính phủ nhưng tốc độ gia tăng ngân sách cho y tế không tăng nhanh bằng tốc độ gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, dẫn tới thiếu hụt ngân sách.
  • Chính sách tự chủ bệnh viện đang được thực hiện để đổi mới tài chính công và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên hiện chưa có cơ chế nào để hỗ trợ các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế công đang đối đầu với vấn đề bội chi.
  • Bao phủ bảo hiểm đang mở rộng và các chính sách tài chính công bằng đang được triển khai. Tuy nhiên chi tiêu từ tiền túi người bệnh còn ở mức cao.
  • Chi trả theo phí dịch vụ là phương thức chi trả chủ đạo cho cơ sở cung cấp dịch vụ, tiềm ẩn các vấn đề như chi phí leo thang và phân mảnh trong cung cấp dịch vụ.

Từ thực trạng này, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tăng cường tính bền vững về tài chính của hệ thống y tế Việt Nam. Việc này được thực hiện thông qua nâng cao năng lực áp dụng và thực hiện đánh giá công nghệ Y tế; nghiên cứu và đánh giá tính khả thi của việc triển khai giải pháp chia sẻ giá trị/rủi ro tại Việt Nam.

Tốc độ gia tăng ngân sách cho y tế không tăng nhanh bằng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân - Ảnh 5.

TS Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tăng cường tính bền vững về tài chính của hệ thống y tế Việt Nam

Tại sự kiện, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cũng ký kết Bản ghi nhớ để cùng thực hiện chương trình "Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của Hệ thống y tế Việt Nam" giai đoạn 2022 - 2025.

Sứ mệnh của Chương trình là nghiên cứu và giúp xây dựng các hệ thống y tế vừa có khả năng chống chịu tốt trước các khủng hoảng, vừa bền bỉ khi đối mặt với áp lực kéo dài.

Hoạt động của chương trình nhằm cung cấp các công cụ và nguồn lực cho nghiên cứu, trở thành đơn vị kết nối cho quá trình hợp tác và trao đổi kiến thức trong và giữa các quốc gia, đồng thời là nền tảng để chia sẻ và thúc đẩy việc áp dụng những giải pháp tiên tiến, mang tính đột phá.

Ngày 20/7: Ca COVID-19 mới tiếp tục tăng với 1.161 F0, cao nhất trong 47 ngày quaNgày 20/7: Ca COVID-19 mới tiếp tục tăng với 1.161 F0, cao nhất trong 47 ngày qua

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 20/7 của Bộ Y tế cho biết ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng so với hôm qua với số mắc là 1.161 ca; Trong ngày số khỏi bệnh gấp gần 9 lần số mắc mới.

Thái Bình
Ý kiến của bạn