Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể, giúp xử lý các chất dinh dưỡng từ thức ăn và đồ uống và lọc các chất độc hại ra khỏi máu.
Quá nhiều chất béo trong gan có thể gây viêm gan, làm tổn thương gan và tạo sẹo. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến suy gan.
Khi gan nhiễm mỡ phát triển ở những người uống nhiều rượu, gọi là bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD). Ở những người không uống rượu, được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
Hình ảnh gan khỏe mạnh (trái) và gan nhiễm mỡ (phải).
1.Các triệu chứng của gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ có thể tiến triển qua bốn giai đoạn:
- Gan nhiễm mỡ: Có sự tích tụ chất béo dư thừa trong gan. Gan nhiễm mỡ phần lớn vô hại nếu nó không tiến triển.
-Viêm gan nhiễm mỡ: Ngoài mỡ thừa, gan còn bị viêm.
-Xơ hóa: Hiện tượng viêm dai dẳng ở gan đã để lại sẹo. Tuy nhiên, gan nói chung vẫn có thể hoạt động bình thường.
-Xơ gan: Tình trạng sẹo ở gan ngày càng lan rộng, làm suy giảm khả năng hoạt động của gan. Đây là giai đoạn nặng nhất và không thể hồi phục.
Cả AFLD và NAFLD đều có biểu hiện tương tự. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, gan nhiễm mỡ không gây ra các triệu chứng đáng chú ý, nhưng người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hoặc đau ở phía trên bên phải của bụng.
Một số người bị bệnh gan nhiễm mỡ phát triển các biến chứng, bao gồm cả sẹo gan (xơ hóa gan). Trong trường hợp bị xơ hóa gan nghiêm trọng có thể dẫn đến suy gan - một tình trạng đe dọa tính mạng.
Tổn thương gan do xơ gan là vĩnh viễn. Đó là lý do tại sao việc ngăn chặn nó phát triển ngay từ đầu là rất quan trọng.
Xơ gan có thể gây ra các triệu chứng như:
- Đau bụng
- Ăn không ngon
- Giảm cân
- Suy nược hoặc mệt mỏi
- Buồn nôn
- Ngứa da
- Vàng da, vàng mắt
- Dễ bầm tím hoặc chảy máu
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân nhạt màu
- Tích tụ chất lỏng trong bụng (cổ trướng)
- Sưng (phù nề) chân…
Để giúp ngăn chặn gan nhiễm mỡ tiến triển và gây ra các biến chứng, điều quan trọng là bạn phải tuân theo kế hoạch điều trị được khuyến nghị của bác sĩ.
2. Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ
Uống quá nhiều rượu là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ
Uống quá nhiều rượu: Sử dụng rượu có thể làm thay đổi một số quá trình trao đổi chất trong gan. Một số sản phẩm chuyển hóa này có thể kết hợp với axit béo, dẫn đến hình thành các loại chất béo có thể tích tụ trong gan.
Ở những người không uống nhiều rượu, nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ ít rõ ràng hơn. Đối với những người này, cơ thể tạo ra quá nhiều chất béo hoặc không chuyển hóa chất béo đủ hiệu quả.
Một hoặc nhiều yếu tố sau đây có thể đóng một vai trò đối với những người không uống nhiều rượu và phát triển bệnh gan nhiễm mỡ:
- Béo phì
- Bệnh đái tháo đường type 2
- Kháng insulin
- Mức độ cao của chất béo, đặc biệt là chất béo trung tính trong máu
- Hội chứng chuyển hóa
Các nguyên nhân tiềm ẩn khác của gan nhiễm mỡ bao gồm:
- Thai kỳ
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Một số loại nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm gan C
- Một số điều kiện di truyền hiếm gặp
3. Điều trị và phòng ngừa gan nhiễm mỡ như thế nào?
Hiện nay, chưa có loại thuốc nào được công nhận để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ và cần có thêm nhiều nghiên cứu để phát triển và thử nghiệm các loại thuốc điều trị tình trạng này.
Trong nhiều trường hợp, thay đổi lối sống có thể giúp đảo ngược hầu hết các giai đoạn của bệnh gan nhiễm mỡ như:
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu
- Thực hiện các bước để giảm cân
- Thay đổi chế độ ăn uống của bạn: Ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng có ít calo dư thừa, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa...
Tập thể dục ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần
- Tránh dùng thuốc và thực phẩm chức năng gây hại cho gan.
Nếu bị AFLD, sẽ phải kiêng hoàn toàn rượu.
Một số bệnh nhiễm trùng do virus cũng có thể làm tổn thương gan. Để bảo vệ sức khỏe lá gan cần tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan A và viêm gan B. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, có thể cần tầm soát viêm gan C thường xuyên.
4. Chế độ ăn uống cho bệnh gan nhiễm mỡ
Nếu bị bệnh gan nhiễm mỡ, cần điều chỉnh chế độ ăn uống để giúp điều trị tình trạng bệnh và giảm nguy cơ biến chứng.
Cân bằng chế độ ăn uống: Cố gắng chọn thực phẩm từ tất cả các nhóm thực phẩm. Điều này bao gồm trái cây và rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, sữa ít chất béo và chất béo, dầu lành mạnh.
Cắt giảm lượng calo: Cố gắng hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều calo.
Bổ sung chất xơ: Chất xơ có thể giúp cải thiện chức năng của gan. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây và rau tươi, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
Hạn chế một số loại thực phẩm: Muối natri, carbohydrate tinh chế (đồ ngọt, gạo trắng, bánh mì trắng hoặc các sản phẩm ngũ cốc tinh chế khác), chất béo bão hòa (được tìm thấy trong thực phẩm như thịt đỏ, sữa đầy đủ chất béo và thực phẩm chiên), chất béo chuyển hóa (có trong thực phẩm chiên và nhiều thực phẩm chế biến sẵn)…
Tránh động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín: Vì có thể chứa vi khuẩn khiến bạn bị bệnh nặng.
Uống đủ nước: Giúp giữ nước cho cơ thể và cải thiện sức khỏe của gan.
Mời độc giả xem thêm video:
Giá xăng dầu có thể giảm trong vài ngày tới vì lí do này.