Ngăn ngừa cao răng thế nào?

07-05-2014 06:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hiện nay, dịch vụ chăm sóc răng miệng với kỹ thuật lấy cao răng có những lời khuyên rất khác nhau: có cơ sở khuyên nên hàng tuần, có nơi lại khuyên hàng tháng hoặc hàng năm.

Hiện nay, dịch vụ chăm sóc răng miệng với kỹ thuật lấy cao răng có những lời khuyên rất khác nhau: có cơ sở khuyên nên hàng tuần, có nơi lại khuyên hàng tháng hoặc hàng năm. Chúng ta ai cũng có cao răng. Vậy bạn định xử lý cao răng thế nào cho hợp vệ sinh? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Không để cao răng gây hại cho sức khỏe

Trên thực tế, cao răng là nơi trú ẩn lý tưởng của vi khuẩn và chúng sẵn sàng gây bệnh răng miệng, viêm hầu họng làm giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chúng ta. Cao răng lại hình thành rất nhanh, chỉ sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng. Nếu màng này không được loại bỏ, các vi khuẩn sẽ kéo đến và tích tụ ngày càng dày lên, hình thành mảng bám. Theo một nghiên cứu cho thấy: khoảng 70% trọng lượng mảng bám là vi khuẩn. Điều đó có nghĩa là trong 1mg mảng bám chứa tới 1 tỉ vi khuẩn. Bạn cần chú ý rằng: lúc mảng bám còn mềm, chúng ta có thể làm sạch khỏi bề mặt răng bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa. Trái lại, khi tồn tại lâu, mảng bám vôi hóa bởi hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm trong mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng, xác tế bào biểu mô, sự lắng đọng sắt của huyết thanh... thì mảng bám trở nên cứng, bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới mép lợi gọi là cao răng hay vôi răng. Khi đó, chỉ có nha sĩ mới có thể lấy được cao răng bằng các dụng cụ chuyên khoa.

Nên lấy cao răng định kỳ 3 - 6 tháng/lần.

Nên lấy cao răng định kỳ 3 - 6 tháng/lần.

Có 2 loại cao răng là cao răng thường và cao răng huyết thanh. Cao răng thường hình thành như đã mô tả trên đây. Cao răng huyết thanh được tạo nên khi cao răng thường gây viêm lợi, lợi ở vùng viêm sẽ tiết dịch viêm và chảy máu, máu ngấm vào cao răng thường tạo nên màu nâu đỏ, khi đó, mảng cao răng được gọi là cao răng huyết thanh. Vì vậy, muốn không để cao răng được hình thành gây hại cho sức khỏe, bạn cần chải răng ngày 2 - 3 lần sau các bữa ăn và buổi sáng khi ngủ dậy.

Có nên lấy cao răng định kỳ?

Rõ ràng cao răng là nơi trú ẩn lý tưởng của vi khuẩn. Nếu không lấy cao răng thì vi khuẩn trong cao răng sẽ gây ra viêm lợi với các biểu hiện như: răng chảy máu, miệng có mùi hôi, thậm chí có ổ mủ quanh lợi, nặng hơn là bệnh nha chu viêm dẫn đến tiêu xương làm răng bị đau, ê buốt khi ăn uống, có thể lung lay và rụng răng. Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là tác nhân gây ra các bệnh ở miệng và họng như: viêm niêm mạc miệng, lở miệng, viêm amidan, viêm họng... Vì vậy, bạn cần phải lấy cao răng định kỳ để loại bỏ nơi trú ẩn của vi khuẩn gây bệnh. Theo các bác sĩ chuyên khoa, tốt nhất nên lấy cao răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần. Có nhiều phương pháp lấy cao răng, phổ biến nhất hiện nay là lấy cao răng bằng máy thổi cát và máy siêu âm. Dùng máy thổi cát thì có ưu điểm là làm sạch cao răng khá tốt và hạn chế được lây nhiễm chéo, nhưng nhược điểm là dễ làm rỗ bề mặt răng do những hạt cát được phun ra trong quá trình làm sạch khiến răng dễ nhiễm màu và tạo điều kiện cho mảng bám lần sau hình thành nhanh hơn.

Lấy cao răng bằng máy siêu âm: là phương pháp lấy cao răng triệt để với cảm giác êm ái. Những bệnh nhân nhiều cao răng nên sử dụng phương pháp này thay vì dùng máy thổi cát rất khó lấy cao răng dưới nướu.

Ngăn ngừa cao răng như thế nào?

Để ngăn ngừa cao răng, bạn cần đánh răng đúng cách ngày 2 - 3 lần vào lúc sau khi ngủ dậy buổi sáng và sau mỗi bữa ăn trưa và tối, hoặc trước khi đi ngủ. Bạn cũng nên sử dụng chỉ nha khoa để lấy sạch mảnh vụn thức ăn ở kẽ răng. Sau khi chải răng, nên ngậm nước súc miệng hoặc nước muối pha loãng. Kiểm tra răng miệng định kỳ 3 – 6 tháng/lần. Đối với trẻ nhỏ, bạn nên cho trẻ khám răng định kỳ và lấy cao răng theo chỉ định của nha sĩ. Bạn nên hạn chế ăn các thức ăn có đường vào buổi tối trước khi ngủ vì dễ hình thành mảng bám và tạo môi trường tốt cho vi khuẩn trong miệng phát triển. Những người có bệnh răng miệng như sâu răng, nha chu viêm, chảy máu chân răng... cần điều trị tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

ThS. Bùi Ánh Nguyệt

 


Ý kiến của bạn