Ngăn ngừa biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

10-02-2023 09:01 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là nhiễm khuẩn màng trong của tim do vi khuẩn, vi nấm và một số trường hợp hiếm do Chlamydia hay Rickettsia.

Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, với các đầu ngón tay, ngón chân bị thâm có nốt đỏ và có tiền sử sốt nhẹ trước đó. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả của bệnh để lại rất nặng nề như tổn thương não, hủy van tim, hay thậm chí phải đoạn chi. Vì vậy, việc phát hiện sớm và ngăn ngừa biến chứng là vô cùng quan trọng.

1.Nguyên nhân viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng màng trong tim, tổn thương chủ yếu ở các van tim với đặc trưng là loét và sùi. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu, sau đó theo máu đến tim, bám vào các lá van tim bị bất thường hay những vị trí tim có tổn thương, phát triển thành các nốt sùi.

Các yếu tố gây viêm mội tâm mạc nhiễm khuẩn bao gồm người mắc bệnh tim bẩm sinh như thông liên thất, còn ống động mạch, hẹp van tim bẩm sinh, các dạng tim bẩm sinh phức tạp… Người mắc bệnh cơ tim phì đại; Bệnh nhân có tổn thương van tim hoặc van tim nhân tạo hoặc bệnh nhân đã bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trước đó… có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Ngoài ra người ta còn ghi nhận các nhiễm khuẩn vùng răng miệng, nhiễm khuẩn da, hoặc ổ nhiễm khuẩn ở các vị trí khác trong cơ thể… gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Do vi khuẩn tấn công nội mạc tim gây tổn thương một hoặc nhiều van tim, dây chằng, vách tim, có thể tử vong nếu không được điều trị. Theo nghiên cứu viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trên van tự nhiên chiếm 30-35%. Bệnh khó điều trị do vi khuẩn gây bệnh ngày càng gia tăng đề kháng với kháng sinh.

Ngăn ngừa biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn - Ảnh 1.

Các yếu tố gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bao gồm người mắc bệnh tim bẩm sinh như thông liên thất


2. Biểu hiện của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Giai đoạn đầu của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn thường có biểu hiện với sốt không rõ nguyên nhân. Vì vậy nếu bệnh nhân có mắc bệnh lý liên quan đến tim mà sốt không rõ nguyên nhân, kèm suy nhược cơ thể, kém ăn, xanh xao phải nghĩ đến viêm nội tâm mạc bán cấp nhiễm khuẩn.

Giai đoạn toàn phát thường sau vài tuần các biểu hiện rõ dần trong đó rõ nhất là tình trạng sốt và suy nhược. Người bệnh sốt kèm rét run hoặc sốt kiểu làn sóng, nhiệt độ 39- 40 độ xen kẽ những đợt không sốt do đó phải cặp nhiệt mỗi 3 giờ một lần, sốt thường kèm da xanh, thiếu máu, gầy.

Biểu hiện ngón tay dùi trống rất có giá trị chẩn đoán trên bệnh tim có sốt nhưng dấu hiệu này thường muộn, các biểu hiện xuất huyết dưới da, niêm mạc cũng có thể gặp.

Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện những tổn thương màu nâu đỏ tuyến tính, tìm thấy vi liên cầu khuẩn nhóm B ở trong giường móng tay của bệnh nhân. Xuất hiện ban xuất huyết ở ngón chân. Và có thể xuất hiện những biểu hiện nhiễm trùng toàn thân như: đau cơ khớp, thường xuyên ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi bất thường vào ban đêm, khó thở, mệt mỏi kéo dài, chán ăn, sụt cân nhanh,…

3. Điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cần được điều trị sớm, nếu không được điều trị luôn gây nguy cơ tử vong cao. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định thích hợp. Thông thường người bệnh sẽ được chỉ định điều trị kháng sinh và phẫu thuật là cần thiết cho các biến chứng cơ học hoặc khi các vi khuẩn đã kháng thuốc. Trên thực tế cho thấy, ngay cả khi được điều trị đầy đủ, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn vẫn có nguy cơ tử vong cao và tiên lượng nặng với bệnh nhân cao tuổi và với bệnh nhân nhiễm trùng với các vi khuẩn kháng thuốc hay mắc các bệnh lý nền khác.

4. Phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cần tăng cường vệ sinh, phòng nhiễm khuẩn huyết, cụ thể cần chú trọng vệ sinh răng miệng, tai mũi họng, tiết niệu-sinh dục. Khi có biểu hiện nhiễm khuẩn cần phả khám và được điều trị.

Tránh gây nhiễm trùng da, bao gồm xỏ khuyên trên cơ thể và xăm mình. Người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát bệnh bằng cách thay đổi lối sống phù hợp.

Ngoải ra, cần khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm. Với các viêm nhiễm cần sử dụng tiểu phẫu các bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh dự phòng nhất là thực hiện các thủ thuật liên quan đến răng miệng (như nhổ răng…).

Tóm lại: Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn rất nguy hiểm không nên chủ quan với viêm nội tâm mạc bởi bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị tốt như: tắc mạch hệ thống, suy tim, biến chứng thần kinh, nhiễm trùng lan rộng không kiểm soát, biến chứng suy thận, áp xe lách, viêm cơ tim, tử vong.

Mời độc giả xem thêm video:

4 Sai Lầm Khi Ăn Cơm Có Thể Khiến Bạn Mắc Bệnh Dạ Dày - SKĐS




TS. Ngô Thị Minh Hạnh
Ý kiến của bạn