Viêm đại tràng mạn tính là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng với các mức độ khác nhau: Viêm nhẹ là tình trạng niêm mạc kém bền vững và dễ chảy máu; bệnh diễn tiến nặng hơn sẽ xuất hiện các vết loét, xung huyết và xuất huyết, thậm chí có thể có những ổ áp-xe nhỏ.
Đây là bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở các nước đang phát triển, theo ước tính có khoảng 20% dân số mắc phải căn bệnh này và tỷ lệ này có xu hướng ngày càng tăng.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng mạn tính là những người trên 50 tuổi; Người từng bị viêm đại tràng cấp tính tái đi tái lại; Người có tiền sử mắc ung thư buồng trứng, cổ tử cung hoặc tuyến vú; Người có người thân (cha mẹ hoặc anh chị em ruột) mắc bệnh viêm đại tràng mạn tính; Người bị viêm loét đại tràng hoặc viêm ruột mạn tính cũng đễ mắc viêm đại tràng mạn tính.
Viêm đại tràng mạn tính có nguy hiểm không?
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh viêm đại tràng mạn tính tiếp tục tiến triển và gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Xuất hiện tình trạng chảy máu; thủng ruột; cơ thể thiếu vitamin và khoáng chất; tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng…
Thông thường tình trạng mất máu do viêm đại tràng mạn tính kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu hụt vitamin D dẫn tới mất xương, loãng xương.
Bệnh nhân càng cao tuổi, bệnh càng diễn tiến lâu dài thì nguy cơ dẫn tới biến chứng nguy hiểm càng cao.
Không giống như bệnh viêm đại tràng cấp tính có thể dễ dàng chữa khỏi, không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và sinh hoạt người bệnh, bệnh viêm đại tràng mạn tính rất khó điều trị dứt hẳn. Nguyên tắc chung là điều trị nội khoa với phương châm kiên trì, toàn diện, bao gồm các giải pháp như: Lựa chọn chế độ ăn uống, làm việc và sinh hoạt phù hợp.
Phòng biến chứng viêm đại tràng mạn tính
Viêm đại tràng mạn tính là bệnh đã chuyển sang giai đoạn rất khó điều trị, cần sự kiên trì và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh. Trong liệu trình điều trị, các bác sĩ sẽ xác định tình trạng tổn thương của đại tràng và từ đó sẽ sử dụng thuốc ngăn ngừa biến chứng. Hiện có nhiều loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ viêm đại tràng mạn tính trước khi dùng cần có ý kiến bác sĩ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính cần đảm bảo chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học:
Về chế độ dinh dưỡng người viêm đại tràng cần ưu tiên các loại thực phẩm: Gạo, khoai tây, thịt nạc, sữa không có lactose, cá, các loại rau xanh, hoa quả...
Các loại thực phẩm cần hạn chế là: Đồ xào rán, thực phẩm khó tiêu hóa như trứng, sữa, thịt mỡ, hành sống... và các chất kích thích như rượu, bia, nước ngọt có ga... Đồng thời tránh ăn các thực phẩm có thể khiến vi khuẩn, nấm... xâm nhập gây hại như: Thức ăn sống, gỏi, rau sống, tiết canh...
Chế độ sinh hoạt khoa học cũng giúp ích cho người viêm đại tràng mạn tính. Người bệnh nên tập thể dục hoặc áp dụng kỹ thuật thư giãn giảm bớt những căng thẳng trong công việc.
Cần luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe cơ thể, sức đề kháng để phục hồi bệnh tốt hơn, tránh các tác nhân gây bệnh, ngoài ra còn có tác dụng cải thiện tâm trạng rất tốt cho bệnh nhân. Các môn thể dục thể thao được khuyên chọn gồm: Đi dạo, bơi lội, nhảy múa, leo cầu thang, yoga, đạp xe...
Tóm lại, bệnh viêm đại tràng mạn tính là sự tổng hợp của nhiều loại bệnh, sự phối hợp của nhiều cơ chế. Do đó, điều trị viêm đại tràng mạn tính chỉ ổn định chứ chưa điều trị khỏi được hoàn toàn. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì người bệnh cần có chế độ ăn giàu năng lượng, dễ tiêu hóa, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya.
Điều trị triệt để các nhiễm khuẩn đường ruột, thương hàn, lị, trực khuẩn, amip và các nhiễm khuẩn khác; Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn gỏi tôm cá, thịt tái, không ăn rau sống, mắm tôm, mắm tép… có thể giúp phòng ngừa bệnh viêm đại tràng mạn tính.