Hà Nội

Ngăn ngừa bệnh cúm A H7N9 xâm nhập nội địa

31-05-2017 15:21 | Thời sự
google news

SKĐS - Bệnh chưa có vắcxin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chủ động giám sát phát hiện, phòng chống bệnh hiện nay là yêu cầu cấp thiết theo mục tiêu,

(Tiếp theo kỳ trước)

Bệnh chưa có vắcxin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chủ động giám sát phát hiện, phòng chống bệnh hiện nay là yêu cầu cấp thiết theo mục tiêu, nội dung, biện pháp phòng bệnh và xử lý ổ dịch của Bộ Y tế hướng dẫn.

Các biện pháp phòng bệnh

Việc phòng bệnh cúm A(H7N9) được thực hiện theo các biện pháp chung trong khi chưa có các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới và chuẩn bị vật tư, hóa chất dự phòng sẵn sàng khi có dịch bệnh xảy ra.

Biện pháp phòng bệnh chung là truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng người dân hiểu biết về bệnh cúm A(H7N9) và các biện pháp phòng bệnh cơ bản. Phải rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm như: ăn chín, uống chín, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc gia cầm có nguồn gốc từ các khu vực có xác định nhiễm virút cúm A(H7N9). Tại khu vực ổ dịch, tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, với gia cầm, sản phẩm gia cầm và môi trường nhiễm bẩn bởi chất thải gia cầm. Trong trường hợp phải tiếp xúc, cần phải sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân, đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất là dùng khăn vải hoặc khăn giấy che miệng và mũi khi ho để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp qua các giọt bắn li ti ra môi trường bên ngoài, sau đó tiêu hủy hoặc giặt sạch khăn ngay. Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng máy điều hòa không khí. Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng. Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý. Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, đau họng, khó thở phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương trong giám sát dịch bệnh, chia sẻ thông tin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người. Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu bằng vắcxin phòng ngừa cúm A(H7N9) nên thực tế vẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung như đã nêu. Cần lưu ý việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới theo quy trình kiểm dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế. Mặc dù hiện nay tại nước ta bệnh cúm A(H7N9) chưa được phát hiện nhưng nguy cơ xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài vào nội địa là rất lớn nên việc kiểm dịch y tế biên giới phải được chú trọng; đồng thời cũng phải chuẩn bị các loại vật tư, hóa chất dự phòng cần thiết để có thể ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

cúm A H7N9

Biện pháp xử lý ổ dịch cúm A(H7N9)

Một nơi được gọi là có ổ dịch cúm A(H7N9) khi ghi nhận có 1 trường hợp bệnh xác định trở lên ở một địa điểm thôn, xóm, đội, tổ dân phố, đơn vị... Việc xử lý ổ dịch được thực hiện bằng cách tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh chung như đã nêu ở trên; đồng thời phải thực hiện thêm các biện pháp đối với người bệnh, nhân viên y tế và người tiếp xúc gần, khu vực ổ dịch; ngoài ra cũng phải tổ chức công tác tuyên truyền phòng chống dịch và lưu ý xử lý ổ dịch đặc biệt ở trường học, công ty, xí nghiệp, công sở...

Phần lớn gia cầm bị nhiễm virút cúm A(H7N9) không có biểu hiện triệu chứng bệnh lý nên rất khó phát hiện để xử lý sớm

Đối với người bệnh: phải cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế theo quy định của luật phòng chống bệnh truyền nhiễm về cách ly, điều trị bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; thời gian cách ly đến khi người bệnh được xuất viện thường sau khi hết sốt từ 3 - 5 ngày. Sử dụng khẩu trang y tế cho người bệnh để hạn chế lây truyền bệnh. Điều trị người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A(H7N9) của Bộ Y tế.

Đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc gần: phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh. Sau khi tiếp xúc với người bệnh, nhân viên y tế và người tiếp xúc gần nên hạn chế tiếp xúc với người khác và hạn chế đến nơi tụ họp đông người để tránh lây bệnh cho người khác. Đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ áo... trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh; thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, sau khi ho, hắt hơi; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng. Lập danh sách những người tiếp xúc gần và theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tư vấn cho người tiếp xúc về các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống để tự phòng bệnh, tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Nếu có xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở... cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Đối với khu vực ổ dịch: phải xử lý môi trường, khử khuẩn đối với các phương tiện vận chuyển, xử lý người bệnh tử vong, xử lý gia cầm và chợ gia cầm.

Việc xử lý môi trường được thực hiện bằng cách thường xuyên lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, các chất khử khuẩn gia dụng. Phun dung dịch khử trùng có chứa chlor nồng độ 0,5% chlor hoạt tính tại các địa điểm có liên quan dịch tễ càng sớm càng tốt khoảng 2 - 3 lần cách nhau từ 2 - 3 ngày. Địa điểm khử trùng phải thực hiện việc lau rửa, phun hóa chất bao gồm: khu vực nhà người bệnh kể cả khu vực chuồng trại và nơi chăn thả gia cầm; các gia đình tiếp giáp nhà người bệnh, gia đình có gia cầm ốm, chết; tại phòng khám bệnh, nơi điều trị người bệnh; rác thải, chất thải của người bệnh cần được thu gom đúng cách và xử lý bằng dung dịch khử trùng có chứa chlor nồng độ 0,5% chlor hoạt tính.

Khử khuẩn đối với các phương tiện vận chuyển cần được quan tâm như nhân viên vận chuyển người bệnh phải được trang bị phòng hộ chống lây nhiễm theo quy định, các phương tiện sau khi vận chuyển người bệnh phải được xử lý bằng các dung dịch khử trùng có chứa chlor nồng độ 0,5% chlor hoạt tính.

Xử lý người bệnh tử vong phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế về việc hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.

Xử lý gia cầm và chợ gia cầm bao gồm tất cả các loại gia cầm, chợ buôn bán, cơ sở giết mổ gia cầm, trại chăn nuôi gia cầm tại khu vực ổ dịch phải được thực hiện theo đúng quy định của cơ quan thú ý.

Tuyên truyền phòng chống dịch: đây cũng là một biện pháp cần thiết trong xử lý ổ dịch. Phải tăng cường giáo dục, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về bản chất, đặc điểm của bệnh dịch cúm A(H7N9), cách nhận biết, khai báo bệnh, cách phòng chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng. Nội dung tuyên truyền giáo dục nên ngắn gọn, tập trung vào những điểm cần ghi nhớ và cần làm cho từng loại đối tượng, tránh gây hoang mang cho nhân dân. Cần thống nhất nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe căn cứ trên cơ sở tài liệu hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đối với ổ dịch tại trường học, công ty, xí nghiệp, công sở: phải thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch chung như đã nêu ở trên. Đồng thời thực hiện biện pháp đóng cửa trường học, công ty, xí nghiệp, công sở … do cơ quan có thẩm quyền quyết định căn cứ trên cơ sở tình hình dịch bệnh cụ thể của từng nơi có cân nhắc tính hiệu quả để làm giảm lây truyền bệnh tại cộng đồng và các ảnh hưởng đến vấn đề xã hội và kinh tế.

Điều cần quan tâm

Mặc dù hiện nay bệnh cúm A(H7N9) chưa xuất hiện tại nước ta nhưng nguy cơ mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào nội địa để lây lan ra cộng đồng và bùng phát thành dịch bệnh là rất lớn. Vì vậy ngành thú y, ngành y tế, các ban ngành khác có liên quan cần tăng cường các biện pháp để chủ động phòng ngừa bệnh xuất hiện và phát triển. Theo các nhà khoa học, phần lớn gia cầm bị nhiễm virút cúm A(H7N9) không có biểu hiện triệu chứng bệnh lý nên rất khó phát hiện để xử lý sớm, vì vậy rất dễ có nguy cơ lây nhiễm sang cho người. Mặc dù chưa có bằng chứng xác định bệnh có khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành nhưng vẫn phải cảnh báo để đề phòng. Cũng cần lưu ý nếu trường hợp bệnh có diễn biến nặng thì tỉ lệ tử vong có thể chiếm đến 40%.


TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn
Tags: