Dịch bệnh cúm gia cầm bùng phát trong thời gian qua đã gây nhiều thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi ở các địa phương do phải tiêu hủy một số lớn gia cầm bị mắc bệnh hoặc có yếu tố nghi ngờ. Mối nguy hại lớn nhất là bệnh có khả năng lây nhiễm sang người gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Lúc đầu chỉ là loại cúm A(H5N1), gần đây lại xuất hiện loại cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập nội địa.
Dịch bệnh cúm A(H7N9) đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3/2013 có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Gia cầm bị nhiễm virút không có biểu hiện bệnh lý nhưng có khả năng lây nhiễm bệnh cho người. Phương thức lây truyền bệnh chưa được xác định một cách rõ ràng nhưng hầu hết người bị mắc bệnh cúm đều có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, sản phẩm gia cầm và môi trường bị nhiễm virút cúm A(H7N9); đến nay chưa có bằng chứng xác định bệnh có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Khi bị mắc bệnh, người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với biểu hiện sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Nếu bệnh diễn biến nặng sẽ có tỉ lệ tử vong cao khoảng 40%. Từ năm 2013 đến đầu tháng 4/2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận 5 đợt dịch bệnh chủ yếu tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm với 1.378 bệnh nhân mắc gây 501 trường hợp tử vong; ngoài ra cũng đã ghi nhận 1 trường hợp người Malaysia và 2 trường hợp người Canada bị mắc bệnh khi đi về từ vùng có dịch bệnh của Trung Quốc về. Xuất phát từ tình hình này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo có sự thay đổi của virút cúm A(H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao đối với gia cầm; tuy nhiên trên thực tế chưa ghi nhận gia cầm nhiễm virút có biểu hiện bệnh lý. Bên cạnh đó cũng đã có bằng chứng cho thấy có sự thay đổi về gen của virút cúm A(H7N9) liên quan đến giảm nhạy cảm với thuốc kháng virút nhưng WHO vẫn chưa đưa ra khuyến cáo về thay đổi hướng dẫn điều trị.
Mục tiêu giám sát và xác định trường hợp bệnh
Mục tiêu giám sát là phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm cúm A(H7N9) trên người, các trường hợp bệnh lây nhiễm từ người sang người nhằm đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch và hạn chế tối đa khả năng dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Thực tế cần xác định trường hợp bệnh nghi ngờ và trường hợp bệnh xác định một cách cụ thể.
Cúm A H7N9 lây nhiễm từ gia cầm cần được chủ động giám sát và phòng chống
Trường hợp bệnh nghi ngờ là trường hợp có triệu chứng sốt trên 380C, ho, đau họng, viêm long đường hô hấp; có thể khó thở, đau ngực; trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh có một trong các yếu tố dịch tễ như: có tiền sử đến, ở, về từ vùng xác định nhiễm virút cúm A(H7N9); có tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh cúm A(H7N9) trong quá trình chăm sóc, sống, làm việc cùng, ngồi cùng chuyến xe, toa tàu, máy bay, đặc biệt là cùng hàng hoặc trước hay sau một hàng ghế trong khoảng thời gian từ 1 ngày trước khi người bệnh khởi phát triệu chứng cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn; có tiếp xúc với gia cầm, chim trong vùng có lưu hành virút cúm A(H7N9) như nuôi, buôn bán, vận chuyển, chế biến, ăn tiết canh và thịt gia cầm chưa được nấu chín... Trường hợp bệnh xác định là trường hợp bệnh nghi ngờ có xét nghiệm khẳng định dương tính với virút cúm A(H7N9). Lưu ý một nơi được gọi là có ổ dịch cúm A(H7N9) khi ghi nhận có 1 trường hợp bệnh xác định trở lên ở một địa điểm thôn, xóm, đội, tổ dân phố, đơn vị... và ổ dịch cúm A(H7N9) được xác định là chấm dứt khi sau 21 ngày không ghi nhận trường hợp bệnh mắc mới ở người.
Các nội dung giám sát theo từng hình huống
Công tác giám sát bệnh cúm A(H7N9) được thực hiện theo 4 tình huống khác nhau như: khi chưa có trường hợp bệnh trên người, khi có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây nhiễm từ người sang người, khi phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây nhiễm từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những trường hợp bệnh đơn lẻ, khi dịch bùng phát ra cộng đồng.
Khi chưa có trường hợp bệnh trên người: hiện nay tại nước ta chưa ghi nhận được trường hợp bệnh dương tính với virút cúm A(H7N9) nên yêu cầu của công tác giám sát trong tình huống này là phải phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A(H7N9) đầu tiên xâm nhập vào nội địa hoặc xuất hiện tại cộng đồng nhằm xử lý triệt để từng trường hợp bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng. Nội dung giám sát trong tình huống này được thực hiện gồm: tại khu vực xác định nhiễm virút cúm A(H7N9) phải lập danh sách, theo dõi sức khỏe hàng ngày các trường hợp có tiếp xúc gần với gia cầm, sản phẩm gia cầm hoặc môi trường đã xác định nhiễm virút cúm A(H7N9) trong vòng 14 ngày, khi có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn điều trị. Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, báo cáo các trường hợp bệnh nghi ngờ theo mẫu hướng dẫn quy định. Lấy mẫu, xét nghiệm xác định nhiễm cúm A(H7N9) các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virút tại các bệnh viện trên toàn quốc và các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng SARS (severe acute respiratory syndrome), các trường hợp mắc hội chứng cúm tại các điểm giám sát trọng điểm quốc gia. Lấy mẫu, xét nghiệm các chùm trường hợp bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng khi có hai hoặc nhiều người có tiền sử bị sốt hoặc sốt với nhiệt độ đo được từ 380C trở lên, ho, khởi phát trong vòng 10 ngày và phải nhập viện; có thời gian khởi phát cách nhau trong vòng 14 ngày và có mối liên quan dịch tễ như học cùng một lớp, cùng làm việc, cùng gia đình, cùng bệnh viện, cùng doanh trại quân đội... Lấy mẫu, xét nghiệm các nhân viên y tế, nhân viên thú y có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng sau khi chăm sóc cho người bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A hoặc có tiếp xúc với gia cầm, môi trường, sản phẩm gia cầm bị nhiễm cúm A(H7N9). Thực hiện nghiên cứu, điều tra sự lưu hành của virút cúm A(H7N9) trên các đối tượng có nguy cơ cao như người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và mẫu môi trường để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virút trong cộng đồng. Tăng cường công tác đánh giá nguy cơ xâm nhập hay lưu hành của virút cúm A(H7N9), thường xuyên phân tích số liệu hệ thống giám sát để phát hiện các biến đổi bất thường số mắc các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân. Giám sát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, các vùng biên giới giáp với vùng dịch. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan trong việc giám sát, kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh ở gia cầm, tình hình nhập lậu gia cầm, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường để chủ động giám sát và phòng chống dịch bệnh ở người.
Khi có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây nhiễm từ người sang người: trong tình huống này, yêu cầu của việc giám sát là phát hiện sớm, không bỏ sót các trường hợp mắc mới, các trường hợp có khả năng lây truyền từ người sang người, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan trong cộng đồng. Nội dung giám sát được thực hiện tùy theo từng khu vực. Tại khu vực chưa có trường hợp bệnh được thực hiện việc giám sát như tình huống khi chưa có trường hợp bệnh trên người. Tại khu vực ổ dịch cũng thực hiện việc giám sát như tình huống khi chưa có trường hợp bệnh trên người, đồng thời theo dõi chặt chẽ các trường hợp bệnh, các chùm trường hợp bệnh đã xác định nhiễm virút cúm A(H7N9), tiến hành điều tra sâu về tiền sử dịch tễ, xét nghiệm virút chuyên sâu và giám sát chặt chẽ, lấy mẫu những người tiếp xúc gần với người bệnh để phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm từ người sang người và xác định các yếu tố nguy cơ.
Khi phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây nhiễm từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những trường hợp bệnh đơn lẻ: trong tình huống này, yêu cầu của việc giám sát là phát hiện sớm và xử lý triệt để từng ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng. Nội dung giám sát cũng được thực hiện tùy theo từng khu vực. Tại khu vực chưa có trường hợp bệnh, được thực hiện việc giám sát như tình huống khi chưa có trường hợp bệnh trên người. Tại khu vực ổ dịch, giám sát, điều tra dịch tễ tất cả các trường hợp bệnh; lấy mẫu xét nghiệm khẳng định tối thiểu 5 trường hợp bệnh đầu tiên tại ổ dịch, các trường hợp bệnh nghi ngờ trong cùng ổ dịch nhưng nếu không xét nghiệm khẳng định được thì xử lý như trường hợp bệnh xác định; cách ly, điều trị, hạn chế tiếp xúc với các trường hợp bệnh, các chùm trường hợp bệnh đã xác định nhiễm vi rút cúm A(H7N9), tiến hành điều tra sâu về tiền sử dịch tễ và xét nghiệm virút chuyên sâu; lập danh sách, theo dõi sức khỏe hàng ngày các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.
Khi dịch bùng phát ra cộng đồng: trong tình huống này, yêu cầu của việc giám sát là phát hiện sớm các ổ dịch mới tại các khu vực chưa có dịch và theo dõi diễn biến tại các ổ dịch đang hoạt động. Nội dung giám sát cũng được thực hiện tùy theo từng khu vực. Tại khu vực chưa có trường hợp bệnh, được thực hiện việc giám sát như tình huống khi chưa có trường hợp bệnh trên người. Tại khu vực ổ dịch, việc giám sát được thực hiện như trong tình huống khi phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây nhiễm từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những trường hợp bệnh đơn lẻ; đồng thời giám sát, phát hiện, báo cáo các diễn biến bất thường về người bệnh, ổ dịch, chùm trường hợp bệnh; tiếp tục thực hiện các xét nghiệm virút chuyên sâu để theo dõi sự tiến triển của dịch bệnh và sự biến đổi của chủng virút.
(Còn tiếp)