Ngăn ngừa bệnh chàm tái phát vào mùa lạnh, thuốc gì?

09-02-2020 07:20 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Cứ vào mùa đông lạnh là bệnh chàm (ở tay) của tôi lại tái phát gây ngứa ngáy, khó chịu, làm mất thẩm mỹ và thiếu tự tin trong giao tiếp.

Vậy có thuốc nào có thể dùng để ngăn ngừa sự bùng phát này?

Nguyễn Thị Quyên (Bắc Ninh)

Bệnh chàm (viêm da cơ địa hay eczema) là một tình trạng viêm da phổ biến, có tính chất tự miễn được đặc trưng bởi các mảng da ngứa và viêm. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh cho tới người già và hay tái phát, nhất là vào mùa đông. Nguyên nhân là vào mùa đông, thời tiết thường khô hanh, độ ẩm thấp nên da thường mất nước và bị khô hơn. Khi da bị khô quá mức và không được dưỡng ẩm đủ sẽ gây ngứa, đây chính là yếu tố làm bệnh chàm tái phát trở lại, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn. Ngoài ra, do sức đề kháng cơ thể giảm nên cũng khiến bệnh chàm dễ bùng phát...

Bệnh chàm thường tái phát trong mùa lạnh.

Bệnh chàm thường tái phát trong mùa lạnh.

Để giảm thiểu sự bùng phát bệnh chàm và làm dịu làn da bị kích thích trong mùa đông, có thể dùng một số sản phẩm sau:

Dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên: Giữ ẩm là một phần quan trọng của chăm sóc da cho bệnh chàm, và điều này đặc biệt quan trọng trong những tháng mùa đông. Luôn mang theo kem dưỡng ẩm và bôi nhiều lần trong ngày để bảo vệ da khỏi không khí lạnh, khô của mùa đông. Khi mua kem dưỡng ẩm, hãy tìm những loại có nguồn gốc xuất xứ, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành. Kem dưỡng ẩm và chất làm mềm gốc dầu sẽ đặc biệt hữu ích.

Bổ sung vitamin D: Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc làm lành tổn thương da ở những người bị chàm. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh chàm và có thể hạn chế các đợt bùng phát. Da của cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vào mùa đông, da sẽ ít tiếp xúc với ánh nắng hơn, dẫn đến sự tổng hợp vitamin D qua da rất hạn chế. Vì vậy, những người bị chàm nên bổ sung thêm vitamin này cho cơ thể, nhất là vào mùa đông. Tuy nhiên cần bổ sung theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh đó có thể sử dụng thuốc theo đơn như: kem chứa hydrocortisone để giảm ngứa, thuốc ức chế calcineurin tại chỗ, thuốc kháng histamin, thuốc chống viêm không steroid...

Ngoài dùng thuốc người bệnh cần tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột bằng cách đeo găng tay, khăn quàng cổ và đội mũ khi ra ngoài để da không bị lạnh, mặc nhiều lớp khi đi ra ngoài cho phép mọi người phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ dễ dàng hơn; sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để cấp thêm độ ẩm cho không khí, sẽ giúp ngăn chặn da nứt nẻ và bị kích thích...

BS. Tuấn Anh


Ý kiến của bạn