Hiện nay, hầu hết các loại thực phẩm tết (bánh, mứt, các loại khô, dưa hành, củ kiệu,…) đã có mặt đầy đủ tại các chợ TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều hàng hóa không có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc khiến người tiêu dùng nghi ngại và kén mua.
Ghi nhận tại các chợ Bình Tây (Q.6), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cho thấy, hầu hết các loại mứt tết, các loại hạt (dưa, bí, hướng dương,…) và khô (bò, mực,…) đều chỉ được đựng trong các bao lớn (bao xá) và được chiết lẻ ra bán cho người mua.
Hầu hết các loại mứt tết, các loại hạt và khô tại các chợ đều chỉ được đựng trong các bao lớn (bao xá) và chiết lẻ ra bán khiến người mua dè dặt. |
Khi được hỏi về cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của sản phẩm, một tiểu thương sạp mứt ở chợ Bình Tây cho biết, mứt ở đây do cơ sở gia truyền sản xuất thủ công nên “đảm bảo ngon và hợp vệ sinh”.
“Mua về nhà ăn thì cần hộp, bao bì làm gì em? Chỉ mắc công tốn thêm tiền hộp. Muốn có hộp thì chị lấy hộp bỏ vô cho!”, một tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), giải thích khi được hỏi về bao bì và nhãn mác, thông tin sản phẩm.
Nói xong, chị tiểu thương lấy ra một hộp nhựa trong và kèm theo nhãn “Chúc mừng năm mới” hỏi khách có muốn lấy không.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, tình hình mua sắm tết tại các chợ hiện giờ khá bình lặng. Nhiều người chỉ đi coi, hỏi giá, hỏi hàng ở đâu để tham khảo chứ không mua.
Người mua dè dặt với thực phẩm chỉ có đóng bao xá. |
Chị Lê Xuân Thu (ngụ đường Nguyễn Tri Phương, Q.10), ngần ngại: “Nghe báo chí nói nhiều về các cơ sở xài phẩm màu, hóa chất độc hại làm mứt nên giờ cũng thấy ớn ớn! Chắc kiếm loại hàng nào của công ty lớn, có uy tín, hoặc vào siêu thị mua cho chắc”.
Bên cạnh đó, các loại củ kiệu, dưa món, lạp xưởng, giò chả cũng đã phong phú, được bày bán đầy các chợ. Tuy nhiên, một số bà nội trợ cho biết họ sợ các loại thực phẩm này có hóa chất, không đảm bảo vệ sinh.
“Chắc tui mua kiệu về tự làm một ít ăn lấy vị mấy ngày tết thôi, chứ giờ nhìn hàng cũng không biết chất lượng ra sao mà lần”, chị Thu Nga (ngụ đường Cách Mạng Tháng 8, Q.Tân Bình) cho biết sau khi đi dạo một vòng chợ Phạm Văn Hai.
Một số bà nội trợ khác thì lại chọn phương án đặt các thực phẩm ăn tết trực tiếp tại cơ sở sản xuất, người quen mà mình biết nơi, biết chỗ, cho an toàn.
Trước tâm lý đó của người tiêu dùng, nhiều hàng hóa tại chợ vẫn được đóng hộp, nhãn mác để… đối phó. Có sản phẩm chỉ có tên hiệu, có sản phẩm lại thiếu ngày sản xuất/hạn sử dụng, có sản phẩm thì tên và thành phần lại không trùng nhau…
Lạp xưởng, khô bò, khô mực không bao bì nhãn mác được "phơi" bán tại chợ Bình Tây. |
Trong khi đó, theo đánh giá của Chi cục ATVSTP TP.HCM, đa phần các trường hợp vi phạm ATVSTP đều rơi vào các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, làm thủ công và có tính thời vụ chỉ mở ra làm vào dịp tết. Đáng lo ngại là các loại bánh mứt sản xuất thủ công này chiếm thị phần rất lớn trên thị trường.
Vừa qua, Bộ Y tế đã có công điện gửi các sở y tế, ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP các tỉnh, thành đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức về ATVSTP, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong việc bảo đảm ATVSTP. Kiên quyết tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm, thực phẩm ô nhiễm, biến chất, không bảo đảm an toàn.
Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATVSTP, đặc biệt tập trung vào mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp tết như: rượu, bia, mứt, bánh kẹo, thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ thịt, hoa quả, phụ gia thực phẩm.
Theo Thanh niên Online