Giữa cái nắng đổ lửa của Quảng Trị những ngày tháng 7, dòng người từ mọi miền Tổ quốc lại tìm đến những "địa chỉ đỏ" của địa phương này để thắp nén tâm nhang.
Cũng tầm thời gian này 50 năm trước đã có một "mùa Hè đỏ lửa" nơi Thành cổ Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm.
Nơi đây, chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã nằm lại. Xương máu của các anh, các chị đã hóa thân vào từng tấc đất, từng gợn sóng, từng cơn gió. Họ ngã xuống để lại những câu chuyện bi tráng cho thế hệ mai sau trân quý hơn hòa bình, tự do.
Nhẹ bước quanh Thành cổ, ngoài những bức tường đổ nát bởi oằn mình trước đạn pháo còn có một góc trưng bày những hiện vật, kỷ vật của những ngày hoa lửa.
Chúng tôi chú ý đến 10 trang thư đặt ngay ngắn trong tủ kính tại Bảo tàng Thành cổ. Rồi nghẹn ngào khi đọc những dòng thư thời chiến mà người lính Thành cổ gửi gắm cho gia đình, làng quê và cho mai sau trước khi hóa thân vào bất tử.
Những trang thư đó là của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Khi lên đường ra trận anh đang là sinh viên năm 4, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – Đại học Quốc gia. Bức thư được đồng đội anh tìm thấy trong ba lô vào ngày anh hy sinh và được cất giữ đến hôm nay.
Bức thư từ chiến trường ác liệt đề ngày 11/9/1972. Đầu thư anh viết: "Toàn gia đình kính thương! Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột…".
Bức thư là tâm tư tình cảm của người lính, hoài bão đành gác lại phía sau để quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và là dự cảm ngày anh hy sinh. 2 trang thư đầu liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi gắm tình thương tới người mẹ của anh: "Mẹ kính mến! Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay chắc mẹ buồn lắm...". Tiếp thư là những lời gan ruột khi anh nuối tiếc đã không trọn chữ hiếu trong thời chiến chinh và lời nhắn: "Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…".
Tiếp thư là lời anh dặn người vợ trẻ khi nghĩa phu thê chưa tròn vành thì anh đã theo tiếng gọi của Tổ quốc vào chiến trường khói lửa. Thư có viết "… Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc ấy mà phải sớm xa rồi. Thật là vừa gặp nhau đã mãi mãi xa nhau…".
Rồi anh cũng ước mong như bao đôi vợ chồng trên đời "… Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh thì em hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại…". Mới thấy chiến tranh đã cướp mất đi những điều nhỏ bé, giản dị nhất của triệu triệu con người trong đó có anh và vợ.
Anh còn dặn vợ, có điều kiện thì "hãy cứ bước đi bước nữa, đời còn trẻ lắm" và đọc bức thư cho mọi người nghe tại lễ truy điệu anh. Rồi nhắn nhủ "… Nếu thương anh thật sự thì khi hòa bình có điều kiện hãy vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau. Đi tàu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng, về đấy sẽ thấy mộ ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn"…
Trong bức thư này, anh Lê Văn Huỳnh đã dự cảm chính xác về ngày 02/01/1973 anh sẽ hy sinh, anh đã ghi rõ thời gian mất, địa điểm nơi mình nằm xuống.
Những trang thư tiếp theo, liệt sĩ Huỳnh nhắn gửi tình cảm và lời dặn đến anh chị "… Anh chị hãy vui lên chăm sóc các cháu, nuôi mẹ già sống lâu đó là điều em mong muốn nhất… Thôi nhé chào anh chị, hồn em mãi mãi bên anh chị…".
Rồi anh dặn dò người cháu "… Phải cố gắng học tập cho thành người. Được sống hòa bình hãy luôn nhớ người chú ruột của cháu đã hy sinh". Và nhắc cháu điều giản dị là "… Đặc tính của chú là thích ăn thịt gà và chuối xôi lắm đấy…".
Kết thư anh gửi lời chào và cũng là lời vĩnh biệt đến người thân và quê hương "… Thôi con đi đây, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương".
Ngày anh hy sinh cũlập,là tròn 1 năm kỷ niệm ngày cưới của anh với người vợ hiền ở quê nhà Thái Bình.
Cũng chính nhờ bức thư này mà gia đình đã tìm được hài cốt của anh sau 30 năm nằm lại chiến trường (1972-2002). Năm 2002, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng Quảng Trị, bức thư được gia đình trao tặng cho Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, phục chế, sao bản và trình bày trang trọng tại bảo tàng.
Không biết bao nhiêu con người sống trong hòa bình đã rơi những dòng nước mắt khi đọc những lời tâm can của một người lính vì lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc mà phải bỏ lại những yêu thương sau lưng. Đây cũng là lời nhắn để chúng ta càng thêm biết ơn những hy sinh xương máu của tiền nhân và luôn trân quý hòa bình, độc lập.