1. Công dụng và cách dùng bài thuốc ngân kiều tán
Các biểu hiện thường gặp của bệnh là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau cơ, ít gặp hơn như nghẹt mũi, chảy nước mũi, nôn, tiêu chảy, mất khứu giác, tê lưỡi...
Pháp điều trị: Thanh nhiệt khứ thấp, tuyên phế bình suyễn.
Thầy thuốc căn cứ vào tình trạng và diễn biến cụ thể của người bệnh để kê đơn điều trị theo đối pháp lập phương.
Công thức gồm: Liên kiều 40g, cát cánh 24g, trúc diệp 16g, kinh giới 16g, ngưu bàng 24g, ngân hoa 40g, bạc hà 24g, sinh cam thảo 20g, đậu sị 20g.
Cách dùng: Các vị trên cùng tán bột, mỗi lần dùng 25g, lấy vi căn tươi cùng đun làm thang, bao giờ mùi thơm bốc lên thì lấy uống, không đun nữa vì bệnh ở phế nên dùng thuốc khí vị khinh thanh. Nếu đun lâu thời khí vị hóa ra nùng hậu mà dẫn xuống Trung tiêu (ở giữa dạ dày), đối với phế không còn ích gì nữa.
Bệnh nặng thời cách 2 giờ uống 1 lần, ngày uống 3 lần, đêm uống 1 lần. Bệnh nhẹ thời cách 3 giờ uống 1 lần, ngày 2 lần, đêm uống 1 lần. Nếu chưa khỏi, đun thêm một liều nữa uống.
2. Phương giải bài thuốc ngân kiều tán
Bài này dùng ngân hoa, liên kiều thanh nhiệt giải độc, nhẹ nhàng mở thông mà bài tiết ra ngoài, làm chủ dược.
Kinh giới, bạc hà, đạm đậu sị tân tán biểu tà, tiết được cái nhiệt ra ngoài, làm thuốc phụ trợ.
Ngưu bàng, cát cánh, cam thảo phối hợp để giải độc, thông lợi yết hầu, làm tan sự bế kết, tuyên phế khử đờm.
Đạm trúc diệp, lô căn cam lương mà thanh lọc nhẹ nhàng, thanh nhiệt sinh tân, có tác dụng chống khát, làm tá dược.
Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc, làm sứ dược.
Bài này kết hợp các vị thuốc thanh nhiệt giải độc với các vị tân tán biểu tà, hợp đồng tạo ra công năng tân lương thấu biểu, thanh nhiệt giải độc. Khi bệnh mới phát sinh, bệnh đang ở phế kinh nên có cách sắc thuốc riêng để thuốc đi vào phế; không dùng vị hoàng cầm có công dụng dẫn vào lý, dễ phạm tới trung tiêu.
Nội kinh đã nêu thuyết "mùa đông không tàng tinh, sang xuân tất sinh bệnh ôn" và "nếu người biết tàng tinh, mùa xuân không mắc bệnh ôn". Xem đó thì biết phàm người mắc bệnh ôn, tinh khí tất phải hư trước. Cái hay của bài thuốc này là bảo vệ chỗ hư trước, và chỉ chuyên quét sạch ở thượng tiêu, không phạm tới trung và hạ tiêu, nếu dùng đúng bệnh, sẽ công hiệu rất nhanh.
3. Phép gia giảm
+ Khát nhiều, gia thêm thiên hoa phấn, vi căn, mỗi vị 12g.
+ Cổ sưng và cuống họng đau, gia mã bột 8g, huyền sâm 12g.
+ Nếu đổ máu cam, giảm đạm đậu sị, kinh giới; gia bạch mao căn, trắc bá thán và chi tử thán, mỗi thứ 12g.
+ Ho, gia 4g hạnh nhân.
Bệnh tới hai, ba ngày mà tà vẫn còn ở phế, nhiệt sắp vào lý, gia sinh địa 24g, mạch đông 12g để bảo toàn lấy tân dịch.
+ Nếu không khỏi hoặc tiểu tiện ít, gia thêm các vị khổ hàn như: Tri mẫu, hoàng cầm, chi tử... với các vị cam hàn như: Mạch môn, sinh địa, hợp thành âm khí để trị bỏ chứng nhiệt thắng.
+ Để tăng tác dụng trị virus gia lưu ký nô 12g – 24g hoặc xuyên tâm liên 12g, thanh hao 12g.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi.