Ngân hàng phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản

29-12-2023 18:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong năm 2023, Ngân hàng Agribank, Chi nhánh huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã phát hiện và ngăn chặn 14 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Sáng ngày 25/10, cặp vợ chồng trú tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đến trụ sở Ngân hàng Agribank, Chi nhánh huyện Lệ Thủy rút 465 triệu đồng tiền tiết kiệm chưa đến kỳ hạn để chuyển vào một tài khoản khác.

Nhận thấy sự bất thường kèm dấu hiệu lo lắng, sợ sệt của khách hàng, giao dịch viên báo cáo với ban Giám đốc chi nhánh ngân hàng. Lãnh đạo đơn vị tiến hành trao đổi và nghi vấn khách hàng đang có dấu hiệu bị lừa đảo.

Ngân hàng phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh 1.

Vợ chồng ở Quảng Bình suýt mất gần 500 triệu đồng vì tin lời nhóm đối tượng lừa đảo.

Theo trình bày của vợ chồng này, trước đó họ liên tục nhận được các cuộc gọi thông báo mình liên quan đến đường dây mua bán ma túy, rửa tiền mà Công an thành phố Hà Nội đang điều tra, giải quyết.

Nhóm người lạ gọi video cho vợ chồng với hình ảnh nhiều người mặc sắc phục rồi gửi các quyết định khởi tố, tạm giam. Nhóm người này đe dọa sẽ bắt giam, yêu cầu hai vợ chồng rút toàn bộ sổ tiết kiệm đang có để gửi vào tài khoản ngân hàng do chúng định sẵn trong 6 đến 12 giờ để chứng minh "không liên quan hành vi phạm tội".

Do không nắm rõ quy trình làm việc của công an, lo sợ bị bắt giam vô cớ, vợ chồng này đến ngân hàng để tất toán sổ tiết kiệm 465 triệu đồng chuyển cho nhóm đối tượng trên.

Sau khi giải thích, khách hàng gọi điện cho đối tượng yêu cầu họ chuyển tiền. Khi đối tượng biết có người hướng dẫn cách trò chuyện liền tắt máy và chặn liên lạc.

Trước đó, ngày 6/4, tại phòng giao dịch chợ Trạm thuộc Chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Lệ Thủy, ông T.V.A. (trú xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy) đến rút số tiền 50 triệu đồng. Đồng thời, ông A. yêu cầu giao dịch viên chuyển tiền cho người nhận tên Nguyễn Hồng Minh, có số tài khoản mở tại An Bình Bank – thành phố Hà Nội.

Ngân hàng phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh 2.

Giao dịch viên Phòng giao dịch Agribank chợ Trạm ngăn chặn vụ chuyển tiền có dấu hiệu lừa đảo.

Nhận thấy dấu hiệu bất thường, các giao dịch viên trao đổi và được biết ông A. Phải chuyển tiền để làm rõ cáo buộc thành viên trong gia đình mình liên quan đến đường dây ma túy. Nếu không muốn bị bắt thì phải đóng một khoản tiền bảo lãnh.

Khi giao dịch viên đề nghị ông A. liên lạc với người yêu cầu chuyển tiền để xác thực sự việc thì đối tượng đã chặn số điện thoại liên lạc. Khi hiểu bản thân suýt bị lừa, ông A. không chuyển tiền, mang sổ tiết kiệm về và gửi lời cảm ơn cán bộ, nhân viên ngân hàng.

Trên đây là 2 trong nhiều trường hợp mà ngân hàng ngăn chặn việc khách hàng bị các đối tượng lừa đảo "dắt mũi". Theo báo cáo của Ngân hàng Agribank, Chi nhánh huyện Lệ Thủy, trong năm 2023, tại các phòng giao dịch trực thuộc và trụ sở chính của chi nhánh phát hiện và ngăn chặn 14 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Ông Mai Văn Kỷ, Giám đốc Agribank, Chi nhánh huyện Lệ Thủy cho biết, các đối tượng lừa đảo thường giả danh cơ quan chức năng rồi gọi điện đe dọa, gửi các quyết định liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật cho người dân. Hoặc chúng sẽ dùng các thủ thuật để đánh cắp tài khoản zalo, facebook rồi giả danh người thân nhờ chuyển tiền khẩn cấp vào tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp… Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản này, các đối tượng lừa đảo lập tức biến mất.

Ngân hàng phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh 3.

Lãnh đạo Agribank-Chi nhánh huyện Lệ Thủy giải thích để khách hàng nâng cao tinh thần cảnh giác khi giao dịch chuyển tiền.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng cách thức tạo áp lực về tâm lý đối với khách hàng như hăm dọa, lừa dối việc họ hoặc người thân liên quan đến các vụ án rửa tiền, ma túy đang trong quá trình điều tra... đánh vào tâm lý sợ hãi của nạn nhân.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào một tài khoản cụ thể hoặc cung cấp thông tin cá nhân, như: Số thẻ ngân hàng, số căn cước công dân, mã số bảo mật, mã OTP và các thông tin nhạy cảm khác, từ đó, chiếm đoạt tài sản.

Bằng các hình thức lừa đảo tinh vi, nhiều người dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy bị "sập bẫy" và thực hiện huy động tiền bằng cách mượn tiền người thân, sử dụng nguồn tiền tiết kiệm rồi chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

"Ban Giám đốc Agribank - Chi nhánh huyện Lệ Thủy động viên toàn thể cán bộ, nhân viên chi nhánh nâng cao tinh thần cảnh giác với các hành vi lừa đảo. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn cần giải thích để khách hàng ngừng giao dịch. Nếu sự việc vượt quá tầm kiểm soát thì phải báo ngay cho lãnh đạo để phối hợp với công an can thiệp, xác minh", ông Mai Văn Kỷ cho biết.

Cụ bà 76 tuổi suýt bị lừa hơn nửa tỉ đồng và hành động kịp thời của nhân viên ngân hàngCụ bà 76 tuổi suýt bị lừa hơn nửa tỉ đồng và hành động kịp thời của nhân viên ngân hàng

SKĐS - Trong quá trình làm thủ tục rút tiền, nhân viên ngân hàng nhận thấy cụ bà 76 tuổi có nhiều biểu hiện bất an, liên tục nhận điện thoại của ai đó; đặc biệt số tiền vị khách này gửi chưa đến kỳ hạn rút với số tiền lãi lớn...

Làm Rõ Vụ Người Dân Bị Lấy Thông Tin Cá Nhân Làm Thẻ Ngân Hàng Khi Nhận Thông Báo Điện Lực | SKĐS


Đan Thanh
Ý kiến của bạn