Hà Nội

Ngân hàng điện tử ảo trả lãi khủng: Chiêu huy động vốn đa cấp nhiều rủi ro

18-12-2020 09:59 | Pháp luật
google news

SKĐS - Gửi 1 tỷ đồng mỗi tháng nhận 500 triệu đồng tiền lãi, tương tự sau 3 năm sẽ nhận được 18 tỷ tiền lãi cùng 1 tỷ tiền gốc... là những hứa hẹn của một ngân hàng điện tử tự xưng có tên là Etop Bank, được giới thiệu đến từ Singapore. Dù Etop Bank hoạt động trái pháp luật, thế nhưng vì ham lãi suất cao, hàng nghìn người vẫn đổ tiền tham gia vào ngân hàng điện tử tự xưng này.

Bất thường mô hình huy động vốn, trả lãi “khủng”

Gần đây, cái tên Etop Bank đang được chú ý khi quảng cáo người chơi chỉ cần gửi tiền vào ngân hàng (NH) điện tử này thì sẽ nhanh chóng trở thành triệu phú USD. Theo đó, người chơi chỉ cần gửi tiền thật để mua tiền ảo có tên là USDT tại Etop Bank với các gói từ 200 USD - 10.000 USD, theo các kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 năm. Lãi suất được trả theo các kỳ hạn gửi, từ 30 - 50%/tháng tương đương 600%/năm, cao gấp gần 100 lần lãi suất tiền gửi NH trong nước. Sau kỳ hạn gửi, người chơi sẽ được rút toàn bộ tiền gốc. Lãi suất cao nhất là kỳ hạn 3 năm, nếu người tham gia gửi 1 tỷ đồng, mỗi tháng sẽ nhận lãi 500 triệu đồng. Nghĩa là sau 3 năm người tham gia sẽ nhận 18 tỷ đồng tiền lãi và 1 tỷ đồng tiền gốc.

Ngoài ra, những người tham gia còn nhận được một khoản tiền đến từ việc mời chào những người tham gia mới. Mời được những người F1, người tham gia sẽ được nhận ngay 15% hoa hồng, tức nếu người tham gia mới bỏ ra 1 tỷ đồng, ngay lập tức môi giới sẽ được hưởng 150 triệu đồng. Hoa hồng được xây dựng theo mô hình kim tự tháp, từ E0 đến E8 và người chơi sẽ nhận thêm 10% hoa hồng từ hệ thống, nghĩa là chỉ cần giới thiệu 10 người tham gia, người giới thiệu sẽ nhận được hàng tỷ đồng mỗi tháng tiền hoa hồng.

Dù mức lãi trên là khó tin, nhưng vì ham lợi, nên hàng nghìn người tại các tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên... đã đổ tiền tỷ vào dự án này. Thế nhưng hiện website của Etop Bank đã đóng, những người vốn tự xưng đứng đầu dự án cũng biệt tăm.

Ngân hàng điện tửChiêu trò tung hô, hội nghị tiệc tùng hoành tráng để lôi kéo người tham gia.

Ngay sau khi Etop Bank biến mất, một số môi giới tiếp tục chào mời dự án Winsbank. Dự án này cũng được giới thiệu là ngân hàng số đầu tiên trên thế giới được cấp phép hoạt động hợp pháp, có thể gửi tiền tiết kiệm, vay mượn và đầu tư chỉ với một nền tảng duy nhất, vay tiền thế chấp bằng tiền điện tử như BTC, ETH, Win... Winsbank cũng phát hành cổ phiếu có tên gọi là eshare (ESR). Để thu hút nhà đầu tư tham gia, Winsbank đưa ra rất nhiều lời “hứa hẹn” về tương lai của đồng tiền ảo Win và giá cổ phiếu ESR. Tuy nhiên, trên thực tế, công an phát hiện hệ thống này do một nhóm đối tượng tại Việt Nam tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam. Bản chất Winsbank không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.

Nguy cơ mất tiền vì gửi tiền vào ngân hàng ảo

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương khẳng định, Etop Bank chưa được cấp phép hoạt động đa cấp tại Việt Nam. Kinh doanh hoạt động đa cấp phải được đăng ký theo quy định tại Nghị định 40/2018 của Chính phủ. Các sàn đầu tư tài chính kinh doanh đa cấp đều không được cấp phép, đặc biệt một số sàn đầu tư tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia. Các tổ chức, cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự. Ngoài ra, quy định pháp luật còn quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác bị phạt tiền và đi tù, nặng nhất là 20 năm tù hoặc chung thân.

Theo ông Huỳnh Trung Minh, giảng viên Học viện Ngân hàng, nhận định, trong thời điểm dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay thì không ngành nghề nào có mức sinh lời khủng như vậy. Ở đây, các ngân hàng tự xưng là ngân hàng điện tử nước ngoài là hoạt động bất hợp pháp, kinh doanh ngoại hối, tiền ảo, rủi ro mất tiền khi người tạo lập sàn bỏ trốn là điều không thể tránh khỏi. Đáng chú ý, khi pháp luật không công nhận mô hình đầu tư này, đồng nghĩa người tham gia vào hệ thống sẽ không được bảo vệ.

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an nhận định thời điểm cận Tết, các tội phạm hoạt động theo mô hình lừa đảo đa cấp biến tướng sẽ có xu hướng gia tăng. Để đấu tranh mạnh với loại tội phạm này, Bộ Công an đã và đang tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan mở đợt cao điểm, tập trung trấn áp. Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân thận trọng khi tham gia vào các mô hình dự án chưa đầy đủ tính pháp lý, lãi suất cao bất thường, để tránh mắc vào các đường dây lừa đảo.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn