Ngân hàng có đòi nợ sai luật?

12-10-2018 13:41 | Pháp luật
google news

SKĐS - Do làm ăn không thuận lợi nên bà Trần Thị Hương (trú tại tổ 47, phường Dịch Vọng Hậu) không đủ khả năng trả nợ lãi ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con, tính đến tháng 9/2018, số tiền bà Hương nợ Ngân hàng lên tới 6,1 tỷ đồng.

Một nhóm người ngang nhiên đến chiếm dụng nhà của bà Trần Thị Hương, đe dọa, chửi bới và khủng bố cuộc sống của gia đình bà, thậm chí còn đuổi cả mẹ con bà ra đường không cho vào nhà. Sự việc xảy ra đã lâu nhưng chính quyền và Cơ quan công an quận Cầu Giấy vẫn làm ngơ chưa xử lý…

Cơ quan chức năng có làm ngơ?

Theo trình bày của bà Trần Thị Hương với PV báo Sức khỏe&Đời sống, năm 2012, bà ký hợp đồng thế chấp căn nhà của mình với Ngân hàng để vay 3 tỷ đồng. Trước khi cho vay, căn nhà của bà Hương cũng được Ngân hàng định giá trên 8 tỷ đồng. Do làm ăn không thuận lợi nên bà Hương không đủ khả năng trả nợ lãi ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con, tính đến tháng 9/2018, số tiền bà Hương nợ Ngân hàng đã lên tới 6,1 tỷ đồng.

Tuy vậy, đến giữa tháng 8/2018, trong lúc bà Hương đi vắng, một số người tự xưng là đại diện ngân hàng đến đe dọa và đuổi những người đang ở trong nhà bà Hương ra ngoài và kể từ đó đến nay, nhóm người này cứ ăn ở trong nhà bà Hương, chiếm giữ trái phép tài sản của bà, thậm chí khi bà Hương quay trở về lấy đồ đạc cũng bị  nhóm người này hành hung không cho vào. Bà Hương đã có đơn cầu cứu gửi kèm theo hình ảnh và clip đến Công an phường Dịch Vọng Hậu, Công an quận Cầu Giấy và UBND các cấp nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái nào về việc xử lý thông tin tố giác tội phạm của công dân.

Trong clip bà Hương cung cấp, khi nhà bà Hương đang bị nhiều đối tượng chiếm giữ trái phép còn có sự xuất hiện của cán bộ công an. Bà Hương cho biết thêm, sau đó, Công an phường Dịch Vọng Hậu có đến nhưng chỉ để kiểm tra nhóm đối tượng này theo Luật Cư trú. Nhưng việc kiểm tra này của cán bộ công an phường cũng là cho có lệ vì không giải quyết được việc gì.

Đến ngày 21/8/2018, bà Hương có được gọi ra công an phường làm việc. Tại đây, bà Hương chỉ rõ Điều 9, Khoản 9.1 của Hợp đồng giao kết giữa bà với Ngân hàng nêu: “Khi có tranh chấp trong việc thực hiện bản hợp đồng này thì trước hết các bên phải gặp nhau bàn bạc thương lượng giải quyết thỏa đáng. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận chung thì tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết ngay tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền”.

Cán bộ công an nói với bà Hương sẽ báo cáo sự việc với cấp trên nhưng không thấy công an phường đến để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà mà  kể từ đó đến nay, nhóm người lạ mặt vẫn ngang nhiên chiếm giữ nhà của bà. Chúng khủng bố tinh thần bằng cách ngày đêm đe nẹt, chửi bới mẹ con bà Hương, ném chất bẩn vào bếp nhà bà.

Có những lúc tranh chấp lên đến đỉnh điểm, nhóm người lạ dùng vũ lực cưỡng chế mẹ con bà ra khỏi nhà. Để rồi ngày 10/9/2018, UBND phường Dịch Vọng Hậu buộc phải có văn bản gửi Ngân hàng với nội dung “Đề nghị không cưỡng chế bà Hương và những người ở trong nhà bà Hương ra khỏi chỗ ở của gia đình bà khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền”. Có thể nói, văn bản này của UBND phường Dịch Vọng Hậu đã thể hiện lãnh đạo UBND phường hiểu rõ hành vi đòi nợ bằng cách chiếm đoạt nhà là phạm pháp. Tuy nhiên, cơ quan công an vẫn chưa có động thái nào bảo vệ người dân theo quy định của pháp luật.

Công nhiên chiếm đoạt tài sản, xử lý ra sao?

Theo luật sư Phạm Huy Tuyến - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hành vi này của nhóm người kia có thể được coi là: Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Thông thường, người phạm tội lợi dụng sự vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản trước mắt họ mà không làm gì được. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu giếm hành vi phạm tội của mình trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được).

Theo quy định tại khung cấu thành cơ bản của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản tại Điều 172 BLHS 2015 thì người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Với mức cao nhất của khung hình phạt tối đa là 03 năm, đây là loại tội ít nghiêm trọng theo phân loại tội phạm trong BLHS 2015. Với mức cao nhất của khung hình phạt là 07 năm, đây thuộc loại tội nghiêm trọng.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì bị phạt tù từ 07 - 15 năm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm, thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, cách hành xử của nhóm người trên rất mong chờ các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để trả lại công bằng cho người dân theo quy định của pháp luật mà trên hết là đảm bảo an ninh trật tự, tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn