Ông Hoàng Anh Dũng - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi Thú ý TP. Buôn Ma Thuột cho biết, chiều 22/8, gia đình ông Bùi Đức Hoạch (xã EaKao, TP Buôn Ma Thuột) báo với chính quyền địa phương là đàn lợn của ông có triệu chứng bất thường.
Cụ thể, gia đình ông Hoạch có tổng cộng 23 con lợn, trong đó có hơn chục con lợn thịt (tổng khối lượng trên 1 tấn) chuẩn bị xuất chuồng. Tuy nhiên, gần đây, đàn lợn nhà ông Hoạch có dấu hiệu bỏ ăn rồi lần lượt có vài con chết, nghi bị dịch tả lợn Châu Phi.
Ngay sau đó, Trạm chăn nuôi thú y TP. Buôn Ma Thuột lên kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương lấy mẫu bệnh phẩm lợn chết gửi Chi cục thú y Vùng V xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.
Theo ông Dũng, các biện pháp được triển khai mạnh mẽ là kiên quyết tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, tuyên truyền cho từng người dân, hộ chăn nuôi trên địa bàn đang xảy ra dịch tả lợn Châu Phi nắm rõ các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, người dân phải báo chính quyền ngay khi có bất thường trên đàn vật nuôi.
"Chúng tôi cũng đã tiến hành cung cấp hóa chất khử trùng, phun tại các vị trí có nguy cơ lây lan, phát tán dịch tả lợn Châu Phi ở Buôn Ma Thuột. Chỉ đạo nhân viên thú y cơ sở bám và nắm chắc địa bàn để phát hiện kịp thời các tình huống bệnh của vật nuôi", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, đây là ổ dịch lợn Châu Phi đầu tiên trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột trong năm 2024. Nguyên nhân, một phần do người dân chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh như cho lợn ăn đồ ăn dư thừa, ôi thiu có mang virus gây dịch tả lợn Châu Phi.
Nhận định của Trạm chăn nuôi thú y TP. Buôn Ma Thuột, dịch tả lợn Châu Phi có thể xảy ra quanh năm nhưng dễ phát bệnh nhất là vào mùa mưa, chuồng trại ẩm ướt. Khi vật nuôi bị dịch tả lợn Châu Phi, tỷ lệ chết rất cao, gây thiệt hại về kinh tế.
Bệnh xuất hiện đột ngột, thời gian ủ bệnh từ 4-19 ngày, ở thể cấp tính ủ bệnh 3-4 ngày. Biểu hiện đặc trưng là xuất huyết tràn lan và thâm tím da phần lớn cơ thể của lợn. Khi mắc bệnh, lợn bỏ ăn, sụt cân, ủ rũ, sốt đột ngột, sốt cao, vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng xuất huyết có màu sẫm xanh tím…
Để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, người dân nên mua lợn giống ở những nơi rõ ràng nguồn gốc, sau khi mua về phải tiến hành tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng chống dịch bệnh.
Người nuôi cũng cần bổ sung thức ăn an toàn nhằm tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Bên cạnh đó, tiến hành khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Đọc và làm theo các hướng dẫn trong tài liệu tuyên truyền về phòng dịch tả lợn Châu Phi do cơ quan chuyên môn địa phương cung cấp…