Ngăn “cửa tử” cho người bệnh tăng huyết áp

23-08-2016 16:41 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Có rất nghiều người cho đến khi đã bị các biến chứng nặng nề của tăng huyết áp, thậm chí cận kề “cửa tử” mới biết mình bị tăng huyết áp. Sau đây là một số lời khuyên cho tất cả mọi người trong việc phòng và điều trị bệnh này.

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh phổ biến, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong hoặc tàn phế trong số các bệnh lý tim mạch. Ở nước ta đa số người bệnh chưa có sự hiểu biết về bệnh, về các hậu quả nghiêm trọng của THA, nên chưa có thái độ xử trí đúng. TS.BS. Phạm Trần Linh, Viện  Tim mạch Quốc Gia Việt Nam có một số lời khuyên cho mọi người trong việc phòng và điều trị THA như sau:

Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì: Nếu tăng 5-10 kg trọng lượng cơ thể so với cân nặng chuẩn (lúc 18 tuổi) sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ xuất hiện THA. Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ (chiếm tới 48%) khả năng mắc bệnh. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Những người béo phì, bụng to (với vòng thắt lưng > 85cm ở nữ và > 98cm ở nam) cũng có nhiều khả năng bị tăng huyết áp. Vì vậy, tốt nhất phải giữ trọng lượng cơ thể ở mức bình thường. Với người thừa cân hoặc béo phì, cứ giảm 10kg cân nặng sẽ làm giảm 5-10mmHg mức huyết áp tâm thu.

Ăn nhiều rau xanh, trái cây: Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm ăn các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần và chất ngọt. Tăng cường các thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan như: đậu xanh quả, đậu hạt các loại, măng... Hàng ngày nên ăn khoảng 55-85g các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua...

Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân. Acid béo omega-3 trong cá và các loại hạt có tác dụng làm hạ cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt và giảm nguy cơ máu đông. Những loại hạt này còn có nhiều loại khoáng chất cần thiết để điều hòa huyết áp như magie. Thịt và trứng có nhiều chất mỡ bão hòa làm gia tăng lượng cholesterol xấu (LDL), đồng thời làm giảm lượng cholesterol tốt (HDL) có khả năng làm sạch lòng mạch. Tuân thủ chế độ ăn như trên có thể sẽ giúp giảm huyết áp tâm thu từ 8-14mmHg.

Ăn nhiều cá, hải sản, giảm các loại thịt đỏ: Thịt và mỡ động vật, nhất là các loại thịt đỏ như: thịt lợn, thịt bò và các loại sữa và trứng có hàm lượng mỡ bão hòa cao là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa. Do đó, các nhà khoa học khuyên nên chuyển dần chế độ ăn nhiều thịt sang ăn nhiều cá và đạm thực vật.

Giảm ăn muối: Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm một thìa cà phê muối ăn/ngày là đủ. Đặc biệt ngư dân của chúng ta thường có thói quen ăn mặn do vậy họ cần phải tập luyện chế độ ăn giảm muối, tốt nhất khoảng dưới 6g muối/ngày.

Ngưng hút thuốc: Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.

Uống rượu vừa phải: Có nhiều bằng chứng cho thấy, có mối tương quan chặt chẽ giữa uống rượu, huyết áp và tỷ lệ bệnh THA trong cộng đồng. Uống nhiều rượu dễ làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng cho thấy, nếu dùng thường xuyên một lượng rượu nhỏ sẽ có tác dụng làm giảm các nguyên nhân gây tử vong nói chung và do tim mạch nói riêng. Uống rượu với mức độ vừa phải có thể làm giảm huyết áp từ 2- 4mmHg. Nam giới mỗi ngày không uống quá 2 ly nhỏ, tương đương 30ml ethanol (tức khoảng 720ml bia hay 30ml rượu hay 90ml whisky). Đối với phụ nữ và người nhẹ cân, lượng rượu nên uống chỉ bằng một nửa nam giới.


Minh Hà
Ý kiến của bạn