Theo Ban chỉ đạo 389, thời gian qua, tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ tôm và các sản phẩm tôm có chứa tạp chất... diễn ra khá phức tạp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các lực lượng chức năng ở Trung ương và địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc với các hành vi vi phạm liên quan tới đưa tạp chất vào tôm tại một số địa bàn trọng điểm các tỉnh, thành phố ven biển và biên giới. Dự báo thời gian tới, các hoạt động vi phạm nêu trên vẫn còn tiếp diễn và có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tiếp tục triển khai kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, chế biến, kinh doanh các sản phẩm tôm có chứa tạp chất, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi này, trong lĩnh vựa và địa bàn quản lý.
Ngăn chặn, xử lý hành vi bơm tạp chất vào tôm. Ảnh minh họa
Cụ thể, tại văn bản 18/BCĐ 389-VPTT vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ký ban hành, yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và các đơn vị, lực lượng chức năng... tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất.
Văn bản nêu rõ, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố: Chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng, các đơn vị, địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương về công tác kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý. Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố phân công lãnh đạo chuyên trách để chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác này.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng, các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình; phối hợp lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên các địa bàn.
Đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền về những tác hại, ảnh hưởng của hành vi vi phạm nêu trên để quần chúng nhân dân biết, trên cơ sở đó không bao che, tiếp tay và kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân; kịp thời tuyên dương, khen thưởng những thành tích phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý hành vi vi phạm của các đơn vị, địa phương.