Hà Nội

Ngăn chặn viêm phổi ở trẻ

19-12-2018 15:40 | Đời sống
google news

SKĐS - Viêm phổi là nguyên nhân mắc bệnh và tử vong hàng đầu ở trẻ em trên thế giới, nhất là tại các nước đang phát triển như nước ta.

Viêm phổi là nguyên nhân mắc bệnh và tử vong hàng đầu ở trẻ em trên thế giới, nhất là tại các nước đang phát triển như nước ta. Bệnh có thể diễn tiến với 3 mức độ từ nhẹ đến nặng và rất nặng. Nếu không được xử trí đúng và kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Căn bệnh hô hấp thường “tấn công” trẻ em

Viêm phổi là bệnh lý viêm nhiễm của nhu mô phổi thường do virut, vi khuẩn gây ra. Viêm phổi xảy ra khi các tác nhân gây bệnh vượt qua hàng rào bảo vệ của cơ thể và xâm nhập vào đường hô hấp. Bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác. Đặc biệt viêm phổi do virut có thể gây thành dịch nguy hiểm và ở trẻ càng nhỏ, diễn biến bệnh càng nhanh và nặng.

Các nguyên nhân gây viêm phổi hay gặp là: phế cầu, tụ cầu trực khuẩn mủ xanh... Các virut như virut cúm thông thường, virut Corona, virut cúm gia cầm cũng có thể gây viêm phổi nặng.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, dị tật bẩm sinh về tim mạch (còn ống động mạch, Fallot 3, Fallot 4...), phổi (giảm sản phổi sinh non, sinh thiếu cân...) rất dễ mắc bệnh.

viêm phổiViêm phổi ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Trẻ mắc bệnh viêm phổi hay có các triệu chứng sau: sốt, nhức đầu, ho khan hoặc ho có đàm, thở nhanh, đau ngực, mệt mỏi, gầy sút, nghe phổi có tiếng ran. Khi trẻ bị khó thở, cha mẹ có thể phát hiện bệnh viêm phổi ở trẻ bằng cách đếm nhịp thở của trẻ trong một phút bằng một đồng hồ có gắn kim giây. Trẻ thở nhanh khi:

Trẻ dưới 2 tháng tuổi: nhịp thở trên 60 lần/phút.

Trẻ từ 2 đến dưới 12 tháng: nhịp thở trên 50 lần/phút.

Trẻ hơn 12 tháng: nhịp thở trên 40 lần/ phút.

Nếu trẻ có thở nhanh theo lứa tuổi là trẻ bị viêm phổi. Viêm phổi nặng khi cha mẹ quan sát thấy 1/3 ngực dưới của trẻ bị lõm vào khi hít vào (bình thường 1/3 ngực dưới đầy lên khi hít vào). Viêm phổi rất nặng khi trẻ có kèm thêm các dấu hiệu sau: nôn tất cả mọi thứ, không bú được hay bỏ bú, li bì khó đánh thức, co giật, tím tái.

Xử trí thế nào?

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và thông thường thầy thuốc sẽ cho thuốc kháng sinh trong 5-7 ngày. Nếu trẻ bị viêm phổi nặng, trẻ cần nhập viện để tiêm kháng sinh. Không được tự ý cho trẻ uống thuốc giảm ho, vì ho là phản xạ tốt để tống xuất chất đờm ra khỏi đường thở làm thông thoáng đường thở.

Để giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cũng như để tránh các di chứng nguy hại cho trẻ, phụ huynh nên dọn dẹp sạch sẽ nhà ở, giảm mật độ người trong gia đình chật chội, không nên cho trẻ hít phải khói thuốc lá, bụi bặm. Nếu trong nhà có máy lạnh thì nên điều chỉnh sao cho chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời từ 5-7oC, để trẻ có thể thích ứng được. Đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch các vắc-xin như bạch hầu - ho gà - uốn ván, Hemophilus influenzae typ B (Hib), phế cầu, cúm...

Dinh dưỡng cần thiết cho trẻ viêm phổi

Khi trẻ bị viêm phổi, việc điều trị ngoài thuốc men ra cần phải cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối và đầy đủ dưỡng chất giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, chống lại tác nhân gây bệnh.

Cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn lỏng và uống nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng và giảm ho. Bổ sung một số thực phẩm tăng cường sức đề kháng như: cho vài tép tỏi đã giã nát vào thức ăn của trẻ, vì tỏi có chứa allicin là một kháng sinh mạnh hơn cả penicillin, giúp kìm khuẩn hoặc diệt khuẩn. Ngoài ra tỏi còn giúp tiêu đờm, giải độc, thông khiếu, thanh nhiệt rất tốt cho bệnh viêm phổi ở trẻ. Cho trẻ ăn nhiều cá biển như cá thu, các hồi, cá trích... vì chứa nhiều acid béo omega-3 có tác dụng chống viêm rất tốt và tốt cho phát triển não trẻ. Khi trẻ ho thường bị biếng ăn, vì vậy không nên kiêng khem các thức ăn có nguồn gốc hải sản như: tôm, cua, hàu, hến, thịt gà, bổ sung rau củ như cà chua, bông cải xanh, cà rốt, cam quýt... Nên cho trẻ uống bổ sung vitamin C và kẽm hằ ng ngày theo chỉ đị nh củ a bác sĩ . Nếu trẻ còn bú thì nên giảm số lượng mỗi lần bú mà tăng số lần bú lên giúp trẻ dễ tiêu hóa và cung cấp đủ năng lượng. Khi trẻ đã ăn thức ăn đặc thì nên cho ăn uống như thường ngày với đủ bốn nhóm thức ăn: bột đường (cơm, cháo, bún, miến, khoai, mì, nui), đạm (thịt, cá, trứng, sữa), béo (dầu), vitamin, muối khoáng (rau củ quả).


BS. NGÔ VĂN TUẤN
Ý kiến của bạn