Tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH ngày 25/8, các đại biểu đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến các nội dung như: xác định giá đất, thu hồi đất, tính thống nhất giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật theo dõi thường xuyên, xem xét lại về tính đồng bộ của hệ thống đất đai với các luật khác để có sự điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có mối quan hệ với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…
Đề cập về xác định giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị cần làm rõ thêm ở Điều 158 về mục đích sử dụng đất được dùng làm căn cứ định giá là mục đích sử dụng đất đang sử dụng hiện tại hay là trong tương lai. Bởi những mảnh đất nông nghiệp, mảnh đất vườn hiện nay nếu mà quy hoạch sau này sẽ là đất công cộng, thu lại làm đường hoặc làm công viên thì sẽ rất khác với lại giá của những mảnh đất cũng là vườn, cũng là đất nông nghiệp nhưng sau này quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ hoặc là đất ở.
Liên quan đến việc thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thống nhất với quy định chi tiết để đảm bảo quá trình minh bạch trong thu hồi đất. Mặc dù quy định chi tiết cũng có nhược điểm là có thể chúng ta chưa lường hết được các trường hợp cần thu hồi nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra cố gắng lường hết các cái trường hợp thu hồi để quy định minh bạch trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra được công khai và minh bạch.
Về cơ chế thỏa thuận ở Điều 127 có đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất là không có quy định về việc là nếu như mà đã thỏa thuận được 80% còn 20% chưa thỏa thuận được thì Nhà nước đứng ra thu hồi. Ủy ban Tư pháp nhận thấy phương pháp thứ nhất có hai cơ chế thu hồi đất. Cơ chế thứ nhất là thu hồi bằng con đường hành chính. Cơ chế thứ hai là bằng con đường thỏa thuận, tức là một bên hành chính, một bên dân sự. Tuy nhiên, chúng ta lại đưa ra cơ chế thứ ba vừa là dân sự và hành chính thì đề nghị cần có sự cân nhắc.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó nhất trong các Luật Đất đai qua các thời kỳ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu lựa chọn cách thức tiếp cận theo hướng "chọn cho" tức là liệt kê các trường hợp, dự án Nhà nước thu hồi đất thì không cách gì đủ được, có khi càng liệt kê càng thiếu. Nên chăng là tiếp cận theo hướng chọn bỏ, tức là trừ những trường hợp áp dụng phương pháp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn lại là Nhà nước thu hồi có được không? Vì thực tế chỉ có 2 hình thức là thu hồi và thỏa thuận.
Với hướng tiếp cận trên, có thể quy định thêm quy định đất thu hồi phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt hay các quy định cấm việc vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đã có ngay quyết định thu hồi đất. Trong thực tế, có việc vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất lại ra quyết định thu hồi đất. Cho nên, điều quan trọng là phải ngăn chặn được tình trạng này.
Dẫn chứng công tác cán bộ hiện nay cũng phải trong quy hoạch một thời gian mới được xem xét bổ nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch và thu hồi đất cũng tiếp cận theo cách này để ngăn chặn việc điều chỉnh quy hoạch là ra quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, không nên gắn việc thu hồi đất với đấu giá, đấu thầu đất đai.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên UBTVQH, đại diện các Bộ, ngành liên quan đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp và sẽ có phản hồi lại UBTVQH cũng như các cơ quan khác của Quốc hội để chuẩn bị kỹ lưỡng các báo cáo trước khi trình Quốc hội, các ĐBQH xem xét tại kỳ họp thứ 6.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cách Điều Trị Đau Mắt Đỏ Do Virus Hoặc Vi Khuẩn | SKĐS