Theo đó, có 326/6.166 mẫu rau quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn cho phép. Tất cả các mẫu này được lấy, phân tích tổng hợp từ đầu năm 2015 đến tháng 2/2016.
Các hành vi vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện từ các cuộc thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm hay được lực lượng chức năng Bộ Công an cùng với nhân dân phát hiện thông báo qua đường dây nóng. Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, chỉ có tiến hành các đợt kiểm tra đột xuất thì mới có thể phát hiện được các vụ việc vi phạm. Thời gian vừa qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các lực lượng chức năng, Bộ Công an tiến hành thường xuyên bám sát các địa bàn, lấy mẫu khảo sát bí mật trên thị trường đối với các công ty doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó đã phát hiện nhiều vi phạm ở nhiều tỉnh, thành.
Tại hội nghị, trước những tồn tại trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định, riêng đối với chất cấm, chúng ta không thể xử lý phần ngọn như đang làm hiện nay là tập trung giám sát ở các lò mổ, trang trại mà các cơ quan chức năng cần phải tiến hành truy thông tin những trang trại này lấy chất cấm ở đâu, ở công ty nào, sau đó tiếp tục truy từ các đơn vị đó nhập nguyên liệu chất cấm ở đâu? Có như thế mới ngăn chặn được một cách hiệu quả. Cũng theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, không thể làm vu vơ, làm có hứng mà phải làm tận gốc, phải có hành động rất cụ thể, cần phối hợp tốt giữa các lực lượng liên quan.
Trong 4 tháng qua kể từ khi phát hiện đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng đã phối hợp triển khai xử lý nghiêm nhiều vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó đã bắt được nhiều vụ vi phạm sử dụng các loại chất cấm như salbutamol, vàng ô vào thức ăn chăn nuôi với số lượng lên tới hàng trăm tấn. Tuy nhiên, trước thực trạng vẫn phát hiện nhiều chất cấm trong việc chăn nuôi, trồng trọt đòi hỏi các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là cần truy tận gốc các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán các chất cấm nhằm ngăn chặn từ gốc các vi phạm đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.