Sốt rét kháng thuốc là vấn đề làm cản trở công tác điều trị bệnh, dẫn đến hạn chế kết quả hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét hiện nay không chỉ ở nước ta mà còn ảnh hưởng đến cả các quốc gia khác trên thế giới.Vì vậy, việc ngăn chặn sốt rét kháng thuốc đã được các nhà khoa học quan tâm bằng những giải pháp thực hiện.
Thực trạng
Tại nước ta, loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum đã kháng lại với hầu hết các thuốc sốt rét thông thường sử dụng, mức độ kháng khác nhau tùy theo từng loại thuốc và từng địa bàn. Quá trình ghi nhận thuốc chloroquin và fansidar đã bị kháng cao ở nhiều nơi; thuốc quinin, mefloquin, artemisinin cũng đã có biểu hiện kháng ở một số điểm.Các nhà khoa học đã nghiên cứu, đánh giá tình hình ký sinh trùng kháng thuốc thường xuyên, liên tục ở các điểm sốt rét lưu hành nặng trên cả nước để xây dựng kế hoạch khống chế. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước trước đây ghi nhận sốt rét đã kháng thuốc chloroquin và fansidar với tỷ lệ cao tập trung ở 5 tỉnh gồm Bình Phước, Đăk Nông, Gia Lai, Quảng Nam và Khánh Hòa; đồng thời có nguy cơ lan rộng đến những địa phương khác trên toàn quốc do vấn đề giao lưu di biến động dân khá lớn giữa các tỉnh có sốt rét kháng thuốc với những tỉnh khác. Năm 2009, một nghiên cứu ở xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước ghi nhận hiệu lực điều trị của thuốc artemisinin đối với sốt rét nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum chỉ đạt 85,4%. Sau đó, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến khảo sát, kiểm tra tình hình, đánh giá lại kết quả, xác nhận và đưa ra kết luận về sự xuất hiện của sốt rét kháng thuốc artemisinin tại đây; đồng thời chính thức đưa ra khuyến nghị và đề xuất một số giải pháp thực hiện để chủ động ngăn chặn sốt rét kháng thuốc tại tỉnh Bình Phước từ tháng 7/2010 nhằm ngăn ngừa sự lan rộng chủng loại ký sinh trùng kháng thuốc này đến những địa phương khác tại nước ta.

Trên cơ sở ghi nhận, những nghiên cứu tiếp tục năm 2012-2014 tại một số tỉnh cũng đã cho thấy sốt rét nhiễm Plasmodium falciparum kháng thuốc artemisinin được phát hiện qua kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét dương tính vẫn còn với tỷ lệ cao sau 3 ngày điều trị (ngày D3) như ở Quảng Nam 27,3%; Gia Lai 22,2%; Đăk Nông 26,1%, Bình Phước 31,6% và Khánh Hòa 14,5%. Theo các nhà khoa học, thực tế hiện nay ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh khác do vấn đề di biến động dân vào vùng sốt rét kháng thuốc; có sự gia tăng giao lưu, đi lại, du lịch với các nước có sốt rét kháng thuốc nên cần phải chủ động triển khai ngay các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn sự lan truyền chủng loại ký sinh trùng kháng thuốc tại nội địa nước ta.
Khó khăn, thách thức
Đứng trước thực trạng sốt rét kháng thuốc, để giải quyết những biện pháp ngăn chặn một cách có hiệu quả; các nhà khoa học đã phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, thách thức khách quan và chủ quan cần được tháo gỡ.
Khó khăn khách quan: Thực tế bệnh sốt rét thường lưu hành ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Phần lớn người dân sống trong vùng sốt rét có bệnh lưu hành là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông đi lại cách trở nên khó tiếp cận được với các dịch vụ y tế để khám chữa bệnh khi bị mắc bệnh sốt rét. Đồng thời chủng loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã phát hiện ở nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực làm hạn chế kết quả điều trị đối với các loại thuốc đang sử dụng. Ngoài ra, khí hậu và thời tiết có sự diễn biến thất thường; kèm theo đó là môi trường sống thay đổi cũng làm cho muỗi truyền bệnh sốt rét thay đổi chủng loại, tập tính truyền bệnh, khả năng hồi phục và kháng lại với hóa chất diệt. Người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành mặc dù có miễn dịch với bệnh nhưng tính miễn dịch này không bền vững.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH