Ngăn chặn sốt rét kháng thuốc - Cách gì?

16-07-2015 08:00 | Thời sự

SKĐS - Khó khăn chủ quan: Hiện nay ở một số nơi người dân vẫn còn tập quán đi rừng, ngủ rẫy qua đêm; số lượng này ngày càng tăng...

Tiếp theo số 111

Khó khăn chủ quan: Hiện nay ở một số nơi người dân vẫn còn tập quán đi rừng, ngủ rẫy qua đêm; số lượng này ngày càng tăng nhưng cộng đồng không quan tâm đến công tác phòng chống sốt rét. Việc giao thương, mua bán, giao lưu qua lại của người dân vùng biên giới, khu vực có sốt rét lưu hành và sốt rét kháng thuốc diễn ra thường xuyên và cũng có xu hướng ngày càng gia tăng. Mạng lưới y tế ở cơ sở tuy được củng cố trong một thời gian dài nhưng nhiều nơi chất lượng hoạt động vẫn chưa cao, đặc biệt là y tế thôn bản ở vùng sâu, vùng xa ở một số tỉnh. Người dân lạm dụng hóa chất diệt muỗi cũng làm cho muỗi truyền bệnh kháng lại với hóa chất diệt và có khả năng lây truyền mầm bệnh kháng thuốc phát tán đi nơi khác. Ở một số nơi vùng biên giới chưa kiểm soát được tình trạng thuốc giả và thuốc kém chất lượng; việc giám sát điều trị không đúng thuốc, không đủ liều chưa được thực hiện triệt để cũng đã ảnh hưởng vấn đề.

Tẩm màn diệt muỗi là một biện pháp phòng chống sốt rét hiệu quả.

Phân vùng sốt rét kháng thuốc

Từ những khó khăn, thách thức về mặt khách quan và chủ quan nêu trên; những nhà khoa học chuyên ngành ở trung ương, địa phương đã tổ chức công tác giám sát hiệu lực của thuốc điều trị sốt rét mãi từ năm 2007 cho đến nay để có cơ sở phân vùng sốt rét kháng thuốc nhằm giúp cho công tác xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp ngăn chặn kháng thuốc. Kết quả vùng kháng thuốc của nước ta được chia làm 2 khu vực:

Khu vực 1: có 5 tỉnh đã được xác định có hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc artenisinin hoặc nghi ngờ có tình trạng kháng thuốc, ký sinh trùng sốt rét dương tính vẫn còn trong lam máu xét nghiệm vào ngày thứ 3 (D3) sau điều trị với tỷ lệ trên 10% gồm các tỉnh Bình Phước, Đăk Nông, Gia Lai, Quảng Nam và Khánh Hòa.

Khu vực 2: có 11 tỉnh tiếp giáp với khu vực 1 có nguy cơ lan truyền sốt rét kháng thuốc artemisinin gồm các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh.

Để thực hiện được vấn đề giải quyết sốt rét kháng thuốc hiện nay tại nước ta, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ một dự án mang tên “Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc artemisinin” (RAI: Regional Artemisinin Initiative) triển khai trong 3 năm từ 2014-2016 tại 14 tỉnh để góp phần bảo vệ thành quả phòng chống sốt rét đã đạt được nhằm tiếp tục làm giảm số tử vong, số mắc và không để dịch sốt rét xảy ra; thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Ngăn chặn thế nào?

Mục tiêu chung là tập trung các biện pháp để ngăn chặn và tiến tới loại trừ ký sinh trùng sốt rét tháng thuốc artemisinin tại nước ta, góp phần loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng vào năm 2030.

Giải pháp can thiệp để đạt được mục tiêu chung nêu trên là phải thực hiện một cách đồng bộ các vấn đề như: Phát hiện sớm, điều trị triệt để bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét để ngăn chặn sự gia tăng và lan rộng của ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc artemisinin. Nghiêm cấm việc điều trị bệnh sốt rét bằng thuốc artemisinin hay dẫn chất là artesunat đơn thuần để trị liệu, trừ trường hợp sử dụng thuốc artesunat tiêm trong điều trị sốt rét ác tính lúc đầu. Khống chế sự lây lan ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc bằng biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh và các biện pháp bảo vệ cá nhân. Tăng cường các biện pháp phòng chống sốt rét cho nhóm dân di biến động nhằm hạn chế sự lây lan của sốt rét kháng thuốc phát tán ra nơi khác. Nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi phòng chống sốt rét của cộng đồng người dân bằng các chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, giám sát hiệu lực điều trị sốt rét; các nghiên cứu di truyền ở mức độ phân tử nhằm theo dõi, đánh giá tiến triển của sốt rét kháng thuốc và hiệu quả tác động của các hoạt động ngăn chặn sốt rét kháng thuốc.

Mỗi giải pháp thực hiện sẽ có các hoạt động cụ thể để triển khai. Hy vọng rằng tình trạng sốt rét kháng thuốc tại nước ta và các quốc gia khác trong khu vực sẽ được ngăn chặn một cách có hiệu quả để góp phần giữ vững, duy trì thành quả đạt được trong thời gian qua nhằm tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030 như đã hoạch định.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

 

 


Ý kiến của bạn