Hà Nội

Ngăn chặn rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên

02-07-2016 08:54 | Đời sống
google news

SKĐS - Thời gian qua, tình trạng rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên xuất hiện ngày ngày nhiều ở một số địa phương; đặc biệt xảy ra những trường hợp đáng buồn được ghi nhận trong các trường học tại thành thị cũng như nông thôn và miền núi. Đây là cơ sở dẫn đến bạo lực học đường với những hậu quả xấu.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi

Các nhà khoa học cho rằng rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên thường xuất hiện do những nguyên nhân khác nhau như: trong môi trường xã hội và trường học nổi bật lên tác động ảnh hưởng của một nhóm người hoặc học sinh xấu, nhất là những nơi tập trung đông dân cư. Ảnh hưởng của các phim ảnh và truyện xấu, băng đĩa hình đen và bạo lực kích khích bản năng tình dục và tính xâm phạm. Ảnh hưởng của tình trạng thất nghiệp, thiếu ăn, thiếu ở, đời sống kinh tế khó khăn. Thiếu quan tâm của cha mẹ và giáo viên đối với các học sinh kém dẫn đến tình trạng các em chán học, trốn học, rồi bỏ học hay bị đuổi học; cuối cùng bị lôi cuốn vào những nhóm học sinh xấu. Ảnh hưởng của cấu trúc gia đình không hoàn chỉnh trong môi trường gia đình sinh sống gồm các yếu tố mồ côi cha mẹ, cha mẹ vắng nhà thường xuyên, cha mẹ ly hôn, cha mẹ không có nghề nghiệp ổn định... Ảnh hưởng các chứng tật của cha mẹ và anh chị em gồm các hiện tượng tính cách không bình thường, rối loạn hành vi nặng, nghiện rượu, nghiện ma túy, thường xuyên xung đột... Ảnh hưởng của các phương pháp giáo dục không hợp lý gồm những hiện tượng đánh mắng thô bạo, quá nghiêm khắc, quá chiều chuộng, thiếu quan tâm...

Thực tế những nghiên cứu tại nước ta cũng như các nước khác trên thế giới đều cho thấy các rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên thường do những yếu tố tâm lý xã hội kết hợp với những yếu tố sinh học gây ra. Yếu tố tâm lý xã hội chiếm khoảng 3/4 các trường hợp rối loạn hành vi và yếu tố sinh học chiếm 1/4 các trường hợp còn lại. Như vậy yếu tố tâm lý xã hội thường chiếm ưu thế và có vai trò quyết định về các rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên; đồng thời chúng có ý nghĩa khá quan trọng và to lớn trong việc phòng ngừa cũng như chữa trị các rối loạn hành vi vì những yếu tố tâm lý xã hội có thể xử trí can thiệp và biến đổi được.

roi loan hanh vi

Biểu hiện rối loạn hành vi và chẩn đoán xác định

Rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên có rất nhiều loại khác nhau nhưng các nhà khoa học chỉ sắp xếp những loại rối loạn hành vi dựa theo những tiêu chuẩn chẩn đoán của bảng phân loại bệnh quốc tế để theo dõi và phát hiện biểu hiện gồm: trộm cắp không đối đầu, bỏ nhà sống qua đêm, thường xuyên nói dối, cố tình gây cháy, thường xuyên trốn học, đập phá đồ đạc, phá hoại tài sản, hành hạ súc vật, cưỡng dâm, dùng vũ khí đánh nhau, thường xuyên gây gổ, trộm cắp có đối đầu, hành hạ người khác, nhập bọn xấu, láo xược, càn quấy, bắt nạt quá đáng, nổi cơn khùng, chống đối nhà chức trách. Trong số 18 rối loạn hành vi nêu trên, thực tế qua nghiên cứu ghi nhận những rối loạn thường gặp nhất là trốn học, thường xuyên nói dối, trộm cắp không đối đầu, bỏ nhà sống qua đêm, gây gổ đánh nhau... Một số thanh thiếu niên có thể có nhiều rối loạn hành vi khác nhau, trung bình là 5 rối loạn hành vi; ở nhóm tuổi từ 10 - 11, số hành vi rối loạn thường ít hơn so với nhóm tuổi từ 15 - 17.

Việc giáo dục điều trị rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên là một vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp

Các thể rối loạn hành vi theo bảng phân loại bệnh quốc tế như trên đã nêu bao gồm: rối loạn hành vi khu trú trong môi trường gia đình, rối loạn hành vi ở những đối tượng kém thích ứng với xã hội, rối loạn hành vi ở những đối tượng còn thích ứng với xã hội. Rối loạn hành vi khu trú trong môi trường gia đình chỉ xuất hiện trong gia đình, không xuất hiện ở môi trường xã hội; thường xuất hiện trong quan hệ với người thân trong gia đình như dì ghẻ, bố dượng, anh chị em...; hành vi rối loạn thường nhắm vào những người mà đối tượng có xung đột bằng biểu hiện ăn cắp tài sản, phá hoại đồ vật, không vâng lời, láo xược, chống đối, xâm phạm...; thực tế các rối loạn hành vi này thường ít được phát hiện khi điều tra nghiên cứu vì đòi hỏi phải có sự hợp tác đầy đủ của cả đối tượng và gia đình.

Rối loạn hành vi ở những đối tượng kém thích ứng với xã hội hay còn gọi là rối loạn hành vi riêng lẻ ở ngoài gia đình và không theo nhóm; rối loạn này chứng tỏ có một sự suy giảm đáng kể trong mối quan hệ của đối tượng với thanh thiếu niên cùng lứa tuổi, đối tượng thường xuyên không được bạn cùng lứa tuổi ưa thích, thường bị bỏ rơi, bị cách ly, quan hệ với người lớn cũng thường mang tính chất bất hòa, thù địch và hằn học. Các hành vi phạm pháp thường được tiến hành một cách đơn độc, thường gặp là các hành vi càn quấy, bắt nạt quá mức, tấn công hung bạo, trấn lột, láo xược, chống đối nhà chức trách, cơn nổi khùng, phá hoại tài sản, gây cháy, độc ác với trẻ em và súc vật.

Rối loạn hành vi ở những đối tượng còn thích ứng với xã hội hay còn gọi là rối loạn hành vi ở ngoài gia đình và theo nhóm; rối loạn hành vi thường xuất hiện ở những thanh thiếu niên có nhu cầu gia nhập nhóm cùng lứa tuổi, thích ứng với hoạt động nhóm hoặc tìm đến nhóm hay bị lôi cuốn vào nhóm. Hoạt động của nhóm thường hướng vào những hành vi chống đối xã hội và phạm pháp, những hành vi này bị xã hội lên án nhưng lại được các bạn cùng nhóm tán thành và ủng hộ nên ngày càng được củng cố; các rối loạn hành vi theo nhóm có đủ các loại như đã trình bày ở trên nhưng thường gặp nhất là các hành vi trộm cắp theo nhóm, trốn học theo nhóm và trốn nhà sống qua đêm theo nhóm.

Việc chẩn đoán xác định rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên cần phải có những tiêu chuẩn cụ thể gồm: hành vi rối loạn phải là một hành vi không còn trong giới hạn bình thường so với lứa tuổi như cơn giận dữ của tuổi lên 3 và hành vi gây gổ của tuổi lên 7 không xem là rối loạn hành vi; rối loạn hành vi phải nằm trong phạm vi 18 loại rối loạn đã quy định nêu trên, phải được lặp lại và kéo dài 6 tháng; rối loạn hành vi không phải là triệu chứng của một loại bệnh lý hoặc một rối loạn tâm thần khác. Lưu ý trong chẩn đoán xác định, cần chẩn đoán phân biệt với rối loạn hành vi của những bệnh lý và rối loạn tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt, trạng thái hưng cảm, trạng thái trầm cảm, rối loạn tăng động, bệnh nhân cách...

Xử trí điều trị và phòng ngừa

Về điều trị: thông thường những rối loạn hành vi nhẹ sẽ giảm đi theo thời gian và theo mức độ trưởng thành dần của thanh thiếu niên. Những rối loạn hành vi nặng thường có khuynh hướng trở thành mạn tính. Đặc biệt những trường hợp thanh thiếu niên khó thích ứng với xã hội và có tính xâm phạm xuất hiện sớm khi đến tuổi trưởng thành vẫn duy trì hành vi chống đối xã hội, một số có thể có hoạt động xã hội thích ứng nhưng vẫn tiếp tục có những hành vi phạm pháp. Nhiều thanh thiếu niên có rối loạn hành vi nhưng khi đến tuổi trưởng thành có thể thích ứng với xã hội và có hoạt động nghề nghiệp với mức độ vừa phải. Vấn đề giáo dục điều trị được thực hiện cho những đối tượng vị thành niên phạm pháp hoặc cho những thanh thiếu niên có rối loạn hành vi mà gia đình xin được điều trị. Các hình thức giáo dục điều trị rất khác nhau tùy theo quan niệm của mỗi quốc gia.

Ở nước ta, các đối tượng vị thành niên phạm pháp được giáo dục cải tạo tại những trung tâm có chức năng thực hiện nhiệm vụ này; tại đây thường áp dụng những biện pháp tâm lý giáo dục, lao động thủ công và nông nghiệp, hoạt động văn hóa và văn nghệ... Do có nhiều khó khăn về mặt tài chính, cơ sở vật chất, công tác tổ chức và cán bộ, kỹ năng đào tạo huấn luyện... nên hiện nay ở một số địa phương những hoạt động của các trung tâm này bị hạn chế.

Ở các nước khác, có rất nhiều hình thức tổ chức điều trị khác nhau được áp dụng như trung tâm giáo dục điều trị riêng, khoa rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên trong bệnh viện tâm thần chung, khoa rối loạn hành vi trong bệnh viện tâm thần trẻ em, trung tâm hướng dẫn phương pháp giáo dục thanh thiếu niên... Tại những trung tâm này, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ chuyên khoa tâm thần và chuyên gia tâm lý giáo dục để thực hiện các biện pháp như: khám xét về lâm sàng và cận lâm sàng để phát hiện những yếu tố sinh học có liên quan đến rối loạn hành vi, phát hiện những yếu tố tâm lý xã hội có vai trò trong cơ chế phát sinh ra rối loạn hành vi; đồng thời áp dụng liệu pháp hóa dược tâm thần bằng các loại thuốc phù hợp để điều trị các trạng thái tăng động, lo âu, trầm cảm, hưng cảm... Ngoài ra, áp dụng các liệu pháp tâm lý đa dạng, thích hợp cho từng trường hợp như: liệu pháp nhận thức để chỉnh lý các quan niệm sai lầm của thanh thiếu niên, liệu pháp tâm lý tập thể cho từng nhóm thanh thiếu niên có rối loạn tương tự, liệu pháp gia đình để giải quyết những xung đột với người thân, liệu pháp gia đình kết hợp với môi trường để tạo nên sự thông cảm và nâng đỡ nhằm tránh tái phạm, liệu pháp tập tính để loại trừ tập tính xấu và hình thành tập tính mới thích ứng với môi trường; áp dụng các liệu pháp phục hồi chức năng tái thích ứng lao động và xã hội gồm những hoạt động lao động, văn hóa, văn nghệ, thể thao, thể dục... Tóm lại, việc giáo dục điều trị rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên là một vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp; sự thành công hay thất bại tùy thuộc vào mức độ quan tâm của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và mức độ đầu tư về cơ sở vật vật chất, tổ chức và cán bộ, kinh phí thực hiện cũng như chất lượng của những bác sĩ chuyên khoa tâm thần và chuyên gia tâm lý giáo dục.

Về phòng ngừa: như trên đã nêu, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên phần lớn có liên quan đến yếu tố tâm lý xã hội xuất phát từ môi trường sống của gia đình, trường học và xã hội, chúng đóng vai trò chủ yếu trong cơ chế gây nên bệnh lý và phát sinh bệnh. Vì vậy, công tác phòng ngừa rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên đòi hỏi phải có sự quan tâm của toàn xã hội với sự kết hợp của nhiều ngành có liên quan như: giáo dục, y tế, văn hóa, công an, tư pháp, đoàn thể thanh thiếu niên... nhằm hạn chế những yếu tố nguy hại được hình thành từ trong cả 3 loại môi trường gia đình, trường học và xã hội. Ngành giáo dục cần chú ý đến giáo dục tâm lý, đặc biệt chú trọng đến giáo dục đạo đức, tác phong, ngôn ngữ, luật pháp cho học sinh nhằm tạo ra những tập tính tốt và loại trừ những tập tính thô bạo, xâm phạm; chú trọng đến sức khỏe tâm thần trong hệ thống y tế trường học nhằm tạo ra kỹ năng phát hiện sớm các rối loạn hành vi để kịp thời uốn nắn và giáo dục; đồng thời đào tạo và bồi dưỡng các chuyên gia tâm lý giáo dục có đủ trình độ, khả năng tham gia công tác phòng ngừa và điều trị rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên. Ngành y tế phải phát triển ngành tâm thần nói chung và ngành tâm thần ở trẻ em nói riêng để có thể hình thành đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tâm thần có kỹ năng phòng ngừa và điều trị rối loạn hành vi cũng như các rối loạn tâm lý xã hội khác ở thanh thiếu niên; đặc biệt tổ chức được mạng lưới quản lý sức khỏe tâm thần tại các cộng đồng để cùng gia đình, trường học và các ngành liên quan loại trừ những tệ hại tâm lý xã hội của môi trường, giải quyết những xung đột trong các gia đình... để góp phần ngăn chặn tại cộng đồng những yếu tố phát sinh ra rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên. Ngành văn hóa cần kiểm tra chặt chẽ các loại sách, báo, phim, ảnh và các sản phẩm văn hóa khác... để loại trừ tối đa những văn hóa phẩm đồi bại, kích thích tính xâm phạm và tình dục ở thanh thiếu niên. Ngành công an, tư pháp cần kết hợp với ngành giáo dục, y tế tổ chức các trung tâm giáo dục điều trị để mang lại nhiều hiệu quả tốt hơn trong công tác cải tạo và phòng ngừa tái phạm cho thanh thiếu niên có rối loạn hành vi; lưu ý việc giáo dục sâu rộng luật pháp, đặc biệt là luật hình sự cho người dân và các tổ chức thanh thiếu niên. Ngoài ra, trong hoạt động giáo dục của các đoàn thể thanh thiếu niên, cần uốn nắn đúng hướng, chú ý đến các rối loạn hành vi và các rối loạn tâm lý xã hội khác; đặc biệt để ngăn chặn thanh thiếu niên đi theo các nhóm xấu, cần thay đổi hay cải tiến các hình thức sinh hoạt của thanh thiếu niên về những mặt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, hội thảo... nhằm tạo được sự sinh động và hấp dẫn. Thực tế những biện pháp ngăn ngừa nêu trên chỉ có thể thực hiện được khi các ngành liên quan có quan tâm đến trách nhiệm, chủ động phối hợp với nhau trong tổ chức bảo vệ sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên; các cấp chính quyền ở trung ương đến địa phương cần nhìn nhận, đánh giá đúng đắn mức độ nghiêm trọng của thực trạng rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên hiện nay để lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp được các ngành liên quan giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả.


TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn