Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học thấy rằng, I3C cản trở sự phát triển khối u trong mô hình chuột mắc ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà khoa học giải thích, I3C làm tăng PTEN, một protein cản trở khối u. Ở người mắc ung thư, protein này thường suy giảm hoạt động.
Theo các nhà nghiện cứu, cơ thể chúng ta có những cơ chế riêng để ngăn chặn ung thư, nhưng đôi khi chúng không đủ mạnh để ức chế sự phát triển của khối u. Các nhà khoa học còn khám phá ra một lộ trình phân tử khiến protein WWP1 (hoạt động ở một số dạng ung thư ở người) thay đổi và làm suy yếu PTEN. Nghiên cứu cũng cho thấy, I3C có thể làm bất hoạt WWP1 bằng cách “tắt” gene của nó đi. Điều này giúp cho PTEN hoạt động hết công suất trở lại và ngăn chặn sự phát triển khối u.
Ung thư xảy ra khi các tế bào bất thường phân chia không kiểm soát, xâm chiếm lấy các mô và lan rộng khắp cơ thể. Hiện tại có hơn 100 loại ung thư, tùy thuộc vào loại tế bào khởi phát nó. Các nhà khoa học khám phá ra 6 mốc phát triển của ung thư ở cấp độ tế bào, đó là: Duy trì tín hiệu phát triển, tránh các cơ chế ngăn chặn khối u, thoát được sự chết của tế bào, đẩy mạnh phân chia vĩnh viễn, xây dựng hệ thống mạch máu, và kích thích quá trình xâm lấn và lan ra các vùng khác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư đã gây ra 9,6 triệu ca tử vong trong năm 2018 và tác động kinh tế của nó đang gia tăng. Trong năm 2010, tổng chi phí cho bệnh ung thư trên toàn thế giới là khoảng 1,16 nghìn tỷ đô la.
Càng ngày, nhu cầu cho các thuốc điều trị ung thư giá rẻ càng tăng cao. Các nhà khoa học tìm đến thế giới thực vật để tìm kiếm các hợp chất tự nhiên có thể đáp ứng được nhu cầu này. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra các hợp chất chống ung thư từ các cây họ cải, như cải bắp, cải xoăn, bông cải xanh, và bắp cải Brucxen. Các hợp chất này tác động vào các gene tác động vào 6 mốc phát triển của ung thư nêu trên.
Chúng ta đã biết PTEN là một protein chống ung thư rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở người bệnh ung thư, gene của protein này có thể bị thiếu, bị thay đổi, giảm biểu hiện, hoặc ở trong trạng thái câm lặng. Rất hiếm khi gene này bị thiếu hoàn toàn. Để gây ra hiện tượng này, cả 2 bản sao của gene trong cơ thể của mỗi người đều phải bị xóa sạch. Thông thường, các khối u có thể có hàm lượng PTEN thấp vì chỉ có 1 trong 2 bản sao hoạt động.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không đảm bảo rằng việc ăn nhiều rau họ cải có thể mang đến lợi ích tương xứng như kết quả họ đạt được trong phòng thí nghiệm. Ví dụ, một người sẽ phải ăn 3 kg rau cải sống mỗi ngày để có được hàm lượng I3C đủ mạnh. Thay vào đó, Tiến sĩ Pandolfi và các đồng nghiệp đang tìm kiếm những cách khác để sử dụng kết quả này. Họ sẽ tiếp tục kiểm tra WWP1 hoạt động như thế nào và liệu có thể có các phân tử khác có sức mạnh lớn hơn để chặn nó hay không. Tuy nhiên, những phát hiện này mở đường cho phương pháp tái kích hoạt khối u được tìm kiếm từ lâu trong điều trị ung thư - Tiến sĩ Pandolfi nhấn mạnh.