Hà Nội

Ngăn chặn nguy cơ đột quỵ não

10-10-2018 06:34 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là một bệnh lý rất nguy hiểm. Theo WHO, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh lý tim mạch và ung thư.

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là một bệnh lý rất nguy hiểm. Theo WHO, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Việt Nam mỗi năm có thêm 200.000 người mắc, 104.000 người tử vong vì đột quỵ. Để phòng ngừa bệnh lý nguy hiểm này, cần hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ gây đột quỵ đó là các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi và các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi. Nói rằng có thể phòng ngừa đột quỵ bởi may mắn là phần lớn các yếu tố nguy cơ là có thể tác động vào để thay đổi.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

Đó là tuổi  tác (đa số đột quỵ gặp ở những người từ 45 tuổi). Tiếp theo là  giới tính (bệnh lý này nam gặp nhiều hơn nữ), chủng tộc, di truyền...

Các yếu tố nguy cơ thay đổi được

Tăng huyết áp: Nếu huyết áp tối đa (tâm thu) > = 140mmHg và hoặc huyết áp tối thiểu (tâm trương) > = 90mmHg. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ đột quỵ não hàng đầu, chiếm hơn 70% tổng số bệnh nhân đột quỵ. Huyết áp tăng cao gây tổn thương thành mạch máu, tạo các điểm yếu ở thành mạch. Các điểm yếu bị tổn thương tiến triển nặng dần theo thời gian và đến một lúc nào đó vỡ ra gây đột quỵ xuất huyết não.

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. Các mảng vữa xơ gây chít hẹp lòng mạch, cản trở dòng máu lưu thông, gây đột quỵ nhồi máu não.

Có những nghiên cứu cho thấy, điều trị tốt huyết áp ở bệnh nhân bị đột quỵ do tăng huyết áp sẽ làm giảm tần suất tái phát đột quỵ và giảm di chứng do đột quỵ gây ra.Kiểm soát huyết áp nhằm ngừa nguy cơ đột quỵ.

Kiểm soát huyết áp nhằm ngừa nguy cơ đột quỵ.

Đái tháo đường (ĐTĐ): ĐTĐ gây tổn thương toàn bộ hệ thống động mạch (kể cả động mạch não). ĐTĐ làm tăng tỷ lệ mắc đột quỵ từ 2 - 6,5 lần, tăng tỷ lệ tử vong lên 2 lần. Triệu chứng biểu hiện bệnh ĐTĐ ở giai đoạn sớm thường rất mờ nhạt hoặc hầu như không có gì. Một số ít bệnh nhân có biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, gầy sút cân nhanh. Vì vậy, mọi người trên 40 tuổi nên định kỳ xét nghiệm đường máu để có thể phát hiện bệnh sớm, nếu mắc bệnh.

Rối loạn lipid máu (RLLM): Khi hàm lượng lipid trong máu quá cao là điều kiện thuận lợi để lipid ngấm vào và lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành mảng vữa xơ động mạch. Trước đây người ta quan niệm RLLM là khi tổng lượng lipid máu tăng cao (cholesterol và/hoặc triglyceride). Nhưng hiện nay đã có nghiên cứu cho thấy sự rối loạn về thành phần phức bộ lipid máu cũng quan trọng không kém tổng lượng lipid máu tăng cao.

Lipid là thành phần rất quan trọng để các tế bào, mô trong cơ thể có thể tồn tại và phát triển. Lipid trong cơ thể gồm 2 nhóm: ngoại sinh do thức ăn cung cấp và nội sinh do cơ thể sinh ra. Ở trong máu, lipid không tan được nên phải liên kết với các protein để tạo thành lipoprotein. Có 3 loại lipoprotein: Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) còn gọi là cholesterol “tốt”.Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) còn gọi là cholesterol “xấu”. Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL).

Khi xét nghiệm thấy LDL-C tăng cao là có liên quan nhiều nhất đến nguy cơ vữa xơ động mạch và biến cố tim mạch. Nếu tăng triglyceride đơn độc cũng là yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch.

Xơ vữa động mạch: Mảng vữa xơ trong lòng động mạch sẽ làm chít hẹp dần lòng mạch, có thể gây tắc mạch. Nhiều trường hợp mảng vữa xơ bong ra, trôi theo dòng máu, đến gây tắc ở vị trí mạch máu khác. Vì vậy cần điều trị ổn định mảng vữa.

Béo phì: Béo phì là yếu tố thuận lợi gây tăng huyết áp, rối loạn lipid và tăng glucose máu. Tất cả các yếu tố này kết hợp lại sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.

Hút thuốc lá: Gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, đột quỵ.

Uống rượu nhiều: Gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Ngoài ra, uống rượu nhiều trong một thời gian dài có thể gây tổn thương gan, suy gan gây rối loạn đông máu. Vì vậy, người uống rượu nhiều có nguy cơ cao bị đột quỵ chảy máu não. Thêm vào đó, khi đột quỵ thường rất nặng nề.

Phình động mạch não: Là nguyên nhân tương đối phổ biến gây đột quỵ chảy máu não ở người trẻ tuổi. Phình động mạch não gặp ở 1-2 % dân số. Khoảng 10% bệnh nhân bị vỡ phình động mạch não tử vong trước khi đến bệnh viện.

Phình động mạch thường diễn biến âm thầm không triệu chứng. Trong vòng 2-3 ngày trước khi phình động mạch não vỡ, khoảng 1/2 số bệnh nhân có các triệu chứng sau: đau đầu đột ngột, rất dữ dội. Sau đó triệu chứng đau đầu giảm dần.

Dị dạng động - tĩnh mạch não: Là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, nối thông động mạch và tĩnh mạch não. Ở vị trí dị dạng, mạch máu dị dạng có hình dạng và cấu trúc bất thường, rất dễ bị vỡ ra gây chảy máu não. Đa số có diễn biến âm thầm. Ở một số ít bệnh nhân có biểu hiện co giật, động kinh, đau đầu kéo dài.

Dùng thuốc tránh thai (progesterone), nội tiết tố nam (testosterone): Khi dùng nội tiết tố nam để điều trị, chẳng hạn ở một số bệnh như thiểu năng sinh dục nguyên phát hay thứ phát, hay trong suy thận mạn có dấu hiệu thiếu máu nặng hoặc ở một số vận động viên (đua xe đạp, thể dục thể hình...), thì số lượng hồng cầu sẽ tăng rất nhiều, dẫn đến dễ vón cục, gây tắc mạch nhiều nơi (ở phổi gây nhồi máu phổi, ở tim gây nhồi máu cơ tim, ở não gây đột quỵ nhồi máu não...).

Bệnh tim: Bệnh van tim (hẹp van hai lá, hở van hai lá, hở van động mạch chủ), rối loạn nhịp tim (rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất). Ở các bệnh này, máu dễ vón cục tạo cục máu đông trong tâm nhĩ, dẫn đến tắc mạch não gây đột quỵ. Do vậy, quan trọng là cần dùng thuốc để đề phòng cục máu đông (huyết khối)ở bệnh van tim.

Do giảm prothrombin ở trẻ em:Ngày nay, đột quỵ não có xu hướng trẻ hóa, phần nhiều do chính những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi này. Như đã nói, may mắn là “nguy cơ có thể thay đổi” bởi chính chúng ta.


BS. NGÔ VĂN TUẤN
Ý kiến của bạn