Bạo hành có nhiều hình thái khác nhau như bạo hành về thể chất, bạo hành về tinh thần và bạo hành về tình dục. Để có một xã hội lành mạnh và tốt đẹp, vấn đề bạo hành này cần được cộng đồng chủ động ngăn chặn với nhiều biện pháp cần thiết.
Thực tế các cơ sở y tế là nơi trẻ vị thành niên và thanh niên thường đến tiếp xúc để được hỗ trợ, giúp đỡ do bị bạo hành hay hậu quả của việc bạo hành. Vì vậy phải sàng lọc một cách thận trọng, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bị bạo hành hay ảnh hưởng của việc bạo hành thì cần giải quyết các vấn đề về sức khỏe, tư vấn và hỗ trợ về tinh thần, khuyến khích trẻ vị thành niên bộc lộ và chia sẻ; đồng thời cung cấp cho trẻ vị thành niên và thanh niên các thông tin cần thiết về dịch vụ xã hội, kết nối và thông báo với cơ quan pháp luật có liên quan tiếp nhận vụ việc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bạo hành cũng như những nguyện vọng mong muốn giải quyết của trẻ vị thành niên và thanh niên.
Các hình thái của hành vi bạo hành
Hành vi bạo hành có thể có nhiều hình thái khác nhau như bạo hành về thể chất, bạo hành về tinh thần, bạo hành về tình dục. Bạo hành về thể chất là hành hạ thân thể như đánh, tát, bạt tai, bắt nhịn đói, bắt nhốt... Bạo hành về tinh thần là hành hạ, uy hiếp tinh thần như chửi mắng, lăng mạ, làm mất thể diện trước mặt người khác, xao lãng bỏ mặc, bỏ rơi, không công nhận... Bạo hành về tình dục là quấy rối, lạm dụng, cưỡng ép thực hiện các hành vi tình dục làm tổn hại đến thể chất, tinh thần như hiếp dâm, quấy rối, sờ mó, sử dụng lời nói tục tĩu, bắt buộc chụp hình khỏa thân, cưỡng ép bán dâm...; thực tế trong nhiều trường hợp, đối tượng gây bạo hành tình dục là người quen, thậm chí là người thân của nạn nhân; trẻ em nữ vị thành niên và nữ thanh niên bị bạo hành, lạm dụng tình dục nhiều hơn nhưng trẻ em nam vị thành niên và nam thanh niên cũng có thể là nạn nhân; mặc dù trẻ em nam và nam giới cũng bị bạo hành nhưng số trẻ em nữ và phụ nữ bị bạo hành vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn; hầu hết các trường hợp bạo hành này có nguyên nhân bắt nguồn từ những định kiến và hiện tượng bất bình đẳng về giới tính và thường được gọi chung là bạo hành trên cơ sở giới tính hay bạo hành giới tính.
Bạo hành trẻ em cần được chủ động ngăn chặn, đặc biệt là bạo hành về tình dục. ẢNH MINH HỌA
Trẻ vị thành niên và thanh niên, đặc biệt là trẻ nữ vị thành niên và nữ thanh niên có thể là nạn nhân của việc buôn bán người; đây là một hình thức bạo hành trên cơ sở giới tính. Trẻ em nữ vị thành niên và thanh niên là con của các gia đình di cư từ nông thôn ra thành phố, nghèo, không biết chữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có rối loạn tâm lý hay tâm thần hoặc không sống cùng gia đình như trẻ vị thành niên và thanh niên đường phố, mồ côi, sống trong cơ sở nội trú, trại giáo dưỡng, trại giam... thường có nguy cơ bị bạo hành cao hơn, nhất là hành vi quấy rối tình dục và lạm dụng tình dục. Trẻ vị thành niên và thanh niên đồng tính, chuyển giới có nguy cơ bị bạo hành cao hơn trẻ vị thành niên và thanh niên dị tính; đồng thời cũng có nguy cơ tự tử do kỳ thị và bạo hành cao hơn nhiều lần so với trẻ vị thành niên và thanh niên dị tính. Ngoài ra trẻ vị thành niên và thanh niên, đặc biệt là trẻ nữ vị thành niên và nữ thanh niên lạm dụng các chất kích thích như rượu, ma túy có nguy cơ bị bạo lực và lạm dụng tình dục cao hơn so với trẻ vị thành niên và thanh niên không sử dụng các chất kích thích này.
Vấn đề bạo hành có thể xảy ra tại gia đình, trường học, nơi làm việc, nơi công cộng, trên xe buýt... Hiện nay việc bạo hành trong trường học đang có xu hướng gia tăng đã gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và xã hội. Thực tế ghi nhận trẻ vị thành niên và thanh niên sống trong môi trường bạo hành như cha bạo hành mẹ, anh chị bạo hành em... thì cũng bị ảnh hưởng gián tiếp do sự bạo hành gây nên sự lo lắng, căng thẳng, trầm cảm... Các rối loạn tâm lý do việc bạo hành hay sống trong môi trường bạo hành có thể dẫn đến các rối loạn về hành vi như có hành động phản kháng, nổi loạn, tự tử. Nếu trẻ nam vị thành niên và nam thanh niên có cha là người gây nên hành vi bạo hành thì cũng rất có nguy cơ trở thành người gây bạo hành so với những trẻ nam vị thành niên và nam thanh niên khác khi lập gia đình. Nếu trẻ nữ vị thành niên và nữ thanh niên có mẹ là nạn nhân của việc bạo hành thì cũng rất có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo hành khi kết hôn cao hơn những trẻ nữ vị thành niên và nữ thanh niên khác.
Các yếu tố nguy cơ và hậu quả của bạo hành
Theo các nhà khoa học, sự thay đổi về tâm sinh lý ở tuổi vị thành niên và thanh niên nếu không được cha mẹ hay người lớn hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời thì có thể dẫn đến hành vi có liên quan đến việc bị bạo hành hoặc có hành động bạo hành người khác do nhiều yếu tố khác nhau như: bị ảnh hưởng của các loại thông tin mang tính bạo lực và không lành mạnh, do hậu quả của việc phải sống trong môi trường có bạo hành gia đình, lạm dụng các chất gây nghiện, phản ứng tiêu cực trước những vấn đề xảy ra trong cuộc sống, để chứng tỏ mình với bạn bè hay để đua đòi, bán dâm hay buôn bán tình dục để kiếm tiền...
Hành vi bạo hành có thể dẫn đến các hậu quả gồm: bị thương tích, tàn tật, thậm chí tử vong; bị tổn thương về tâm lý như rối loạn hành vi, trầm cảm, lo âu, mất ngủ, tự tử...; bị rối loạn chức năng tình dục như lãnh cảm...; thường bỏ học, bỏ việc, xa lánh mọi người; có tâm lý trả thù, bất cần đời... có thể làm cho trẻ vị thành niên và thanh niên đã bị xâm hại trở thành kẻ đi bạo hành, đi xâm hại người khác; đồng thời cũng có thể mang hậu quả về sức khỏe sinh sản như có thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS...
Các dấu hiệu giúp phát hiện bạo lực tình dục
Để giúp phát hiện các trường hợp trẻ vị thành niên và thanh niên bị bạo lực, xâm hại tình dục; cần căn cứ vào những dấu hiệu về hành vi và tinh thần, dấu hiệu về thực thể. Các dấu hiệu về hành vi và tinh thần được ghi nhận như: có rối loạn tinh thần, mang cảm giác tự ti; lo lắng, sợ sệt, xa lánh, trốn chạy...; bị trầm cảm, mặc cảm tội lỗi, hổ thẹn, có biểu hiện dọa tự tử hoặc tự tử; bị mất ngủ, không ăn hoặc ăn không ngon; có lạm dụng chất gây nghiện; có rối loạn về tình dục, sợ hãi, ghê tởm hành vi tình dục, không có khả năng phân biệt giữa các hành vi tình cảm và tình dục; có hoạt động tình dục sớm; có thể có hành vi xâm hại, lạm dụng người khác... Các dấu hiệu thực thể được ghi nhận như: các vết thâm tím, chảy máu, sưng đau, đặc biệt có liên quan đến bộ phận sinh dục; việc đi lại, đứng ngồi khó khăn, quần áo rách và bẩn, có dính máu; có ra máu, có dịch tiết âm đạo hoặc dương vật; đau bụng, đau vùng hạ vị; bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn, có thể có hiện tượng đại tiện và tiểu tiện không tự chủ; có các dấu hiệu nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục như tiết dịch âm đạo, tiết dịch niệu đạo, vết loét, vết sùi...; có thể đang có thai...
Việc thăm khám phải được tiến hành một cách kín đáo, thận trọng và kỹ càng để phát hiện đầy đủ các dấu hiệu có liên quan đến hành vi trẻ vị thành niên và thanh niên bị bạo lực tình dục đã nêu ở trên để giúp xác định tổn thương một cách cụ thể nhằm có biện pháp hỗ trợ, điều trị phù hợp.
Biện pháp phòng tránh bạo hành
Đối với những trường hợp trẻ vị thành niên và thanh niên bị bạo hành, cần nhận biết rõ đã có hành vi bạo hành xảy ra với các dấu hiệu được xác định. Nên cung cấp các thông tin về sự xâm hại, bạo hành ở những nơi có mặt của trẻ vị thành niên và thanh niên thường là tại phòng đợi, phòng tư vấn bằng tranh ảnh, tờ rơi, áp phích... hướng dẫn. Nên bày tỏ thái độ thông cảm, tôn trọng và động viên khi tư vấn. Phải hỏi cụ thể tiền sử và thăm khám kỹ để đánh giá nguy cơ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, nguy cơ mang thai và các tổn thương khác. Thực hiện việc điều trị và chuyển tuyến khi cần bao gồm cả việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nếu trẻ vị thành niên và thanh niên nữ bị cưỡng hiếp trong vòng thời gian khoảng 120 giờ; cũng cần chuyển trẻ vị thành niên và thanh niên đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, xét nghiệm và hỗ trợ điều trị những bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, HIV. Tư vấn những nội dung có liên quan đến hành vi bạo hành và hỗ trợ tâm lý phù hợp. Cần bảo đảm sự bí mật và riêng tư đối với những thông tin của nạn nhân. Hỗ trợ tìm người giúp đỡ, tìm nơi an toàn, tìm đến các dịch vụ xã hội trợ giúp. Đồng thời ghi chép thật đầy đủ, lưu hồ hơ theo đúng quy định của pháp lý.
Để phòng ngừa và giảm thiểu những hậu quả của việc bạo hành, cần tổ chức thực hiện và vận động mọi người tham gia các hoạt động giáo dục phòng ngừa bạo hành tại cộng đồng, trường học; cung cấp các thông tin về bạo hành cho đối tượng tham gia đặc biệt chú trọng đến trẻ vị thành niên và thanh niên ngay cả khi họ đến cơ sở y tế không phải vì vấn đề bạo hành; phát hiện và ngăn ngừa những dấu hiệu, những biểu hiện có thể dẫn đến hành vi bạo hành. Đồng thời cần hỗ trợ, tư vấn cho trẻ vị thành niên và thanh niên đã bị xâm hại, bị bạo hành để giúp đối tượng này vượt qua tình trạng stress, lấy lại sự cân bằng tâm lý, tránh được cảm giác muốn trả thù hay buông xuôi. Ngoài ra phải bảo đảm quyền của trẻ vị thành niên và thanh niên, nhấn mạnh quyền được bảo vệ để chủ động tránh khỏi các hình thái bạo hành.
Điều cần quan tâm
Trong xã hội phát triển hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên và thanh niên bị bạo hành, đặc biệt là nữ đã xảy ra khá phổ biến với xu hướng ngày càng lan rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Vì vậy đây là một vấn đề cấp thiết cần phải được cảnh báo để chủ động ngăn ngừa. Ngoài hình thái bạo hành về thể chất, bạo hành về tinh thần thì bạo hành về tình dục xảy ra trên thực tế rất đáng báo động từ những trường hợp trẻ vị thành niên bị xâm hại thời gian vừa qua ở nhiều địa phương. Ngành y tế và các cơ quan chức năng có liên quan cần quan tâm đến những yếu tố nguy cơ, hậu quả của bạo hành, dấu hiệu phát hiện bạo lực tình dục để chủ động thực hiện biện pháp phòng tránh. Trẻ vị thành niên và thanh niên, đặc biệt là nữ cần được sống trong một môi trường xã hội an toàn, có sự bảo vệ cần thiết của nhiều cơ quan, đoàn thể liên quan.