Nằm trong Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, địa bàn các xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) và Hải An (huyện Hải Lăng) hiện nay có một trữ lượng lớn cát trắng. Dù cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tuy nhiên việc khai thác trái phép vẫn cứ âm ỉ xảy ra.
Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị cho hay, tháng 11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Theo đó, trên cả nước có diện tích 87,53km2 với tài nguyên, trữ lượng 1.538 triệu tấn, riêng Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị chiếm hơn 35km2 với tài nguyên, trữ lượng hơn 700 triệu tấn (gần 50%) khối lượng cát trắng dự trữ.
Tại xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong), cát trắng nằm trong vùng dự trữ có diện tích 27km2, tài nguyên, trữ lượng 497 triệu tấn, mức sâu dự trữ từ trên mặt đến độ sâu 20m. Đây cũng là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản cát trắng trái phép.
Ông Lê Văn Mẫn, Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch cho biết, việc khai thác cát trên địa bàn xảy ra do một số bà con đưa về để đổ nền phục vụ các công trình xây dựng dân sinh của gia đình. Tuy nhiên, có một số trường hợp sau khi khai thác đem đi bán ra ngoài địa phương.
"Thời gian qua, sau khi phát hiện, xã đã tiến hành xử phạt một số trường hợp vi phạm. Hiện chúng tôi chỉ đạo tổ công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản của địa phương phối hợp với Công an xã tăng cường công tác tuần tra để kịp thời phát hiện và xử lý", ông Mẫn nói.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết, đã đề nghị các địa phương thống kê về quy mô, diện tích, khối lượng cát trắng bị khai thác trái phép. Đồng thời, báo cáo công tác quản lý, bảo vệ cũng như xử phạt vi đối với các đối tượng khai thác trái phép.
Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Đức Thiện, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, giải pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trắng trái phép hiện nay cần phải mang tính liên xã, liên vùng nhằm tối đa hóa lực lượng bảo đảm thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường. Trong đó, việc cần thiết là các xã trong khu vực có cát phối hợp cùng nhau để tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân.
"Ngoài việc xử lý, ngăn chặn các hành vi khai thác cát để thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng đến tài nguyên, cần phải quan tâm đến nhu cầu sử dụng cát dân sinh ở ngay tại xã có cát. Qua đó quản lý và hỗ trợ nhu cầu giải quyết hoạt động nhỏ lẻ của người dân tại địa phương như đắp nền nhà, lăng mộ... một cách linh hoạt và phù hợp với chính sách của pháp luật", ông Thiện nói.
Ông Nguyễn Đức Thiện cho rằng, việc tìm các phương án để hạ thấp chi phí mua cát dân sinh phụ thuộc vào nhiều vấn đề, vì vậy, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ các cơ sở pháp luật liên quan.
Người dân sống ở trên cát bao đời nay, việc sử dụng cát trong đời sống sinh hoạt là điều khó tách rời. Nếu không có cơ chế để đáp ứng nhu cầu của người dân, việc ngăn chặn các hành động vi phạm pháp luật ở phạm vi nhỏ, lẻ sẽ rất khó khăn do lực lượng mỏng, địa bàn quản lý rộng và thời gian vi phạm thường vào ban đêm.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế, trước hết, các địa phương cần có chuyên đề thống kê về nhu cầu sử dụng cát dân sinh từ cấp xã trở lên, từ đó làm căn cứ để đề xuất các giải pháp hỗ trợ sử dụng cát dân sinh chi phí thấp cho những hộ dân đăng ký.
Sau đó, tuyên truyền mạnh mẽ và xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh biến tướng của việc sử dụng cát dân sinh trở thành khai thác cát thương mại.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bắc Bộ mưa rất to trong 2 ngày cuối tuần, nhiệt độ giảm, thời tiết mát mẻ.