Hà Nội

Ngăn chặn hành vi trục lợi từ kinh doanh đồ phòng dịch

07-08-2020 13:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Vật tư y tế như khẩu trang, găng tay y tế đang có mức cầu rất lớn, vì vậy giá của hai mặt hàng này được đẩy lên cao và liên tục giao động. Bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch COVID-19 bằng những đóng góp thiết thực thì vẫn có những có những đối tượng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, thương hiệu vật tư y tế của Việt Nam, làm mất đi thị trường xuất khẩu tiềm năng của quốc gia.

Những ngày qua, chưa hết hoang mang khi khẩu trang tăng giá vùn vụt, cộng đồng những ngày gần đây vô cùng bức xúc trước thông tin cơ quan chức năng phát hiện một loạt đường dây phù phép khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng quay ngược lại tiêu thụ trên thị trường. Buổi sáng 1  thùng khẩu trang giá chỉ từ 1, 2 triệu đồng, nhưng tới chiều, tăng lên tới 4 - 5 triệu/thùng.

Theo quy định, găng tay y tế hoặc khẩu trang chỉ được sử dụng 1 lần. Tuy nhiên, với 4 cơ sở thu gom, sản xuất, tái chế găng tay y tế cũ, hàng chục tấn hàng bị cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ. Sẽ ra sao nếu hàng triệu đôi găng tay bẩn này được sử dụng trong các bếp ăn tập thể, trường học hay bệnh viện?

Sau gần 10 ngày theo dõi, lực lượng chức năng TP.HCM thu giữ khoảng 151.000 chiếc khẩu trang giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh (trụ sở tại số 8-8A đường Lê Lăng, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM). Đây là vụ xâm hại sở hữu trí tuệ lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Kiểm tra đột xuất Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM do bà Nguyễn Thị Hoa có địa chỉ tại số 43, Biệt thự Lâm Viên 2, KĐT Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện 9,5 tấn găng tay cao su đang được phân loại, tái chế, hấp lại để bán. Số còn lại ước tính khoảng trên 15 tấn. Nhân viên làm việc tại một cơ sở tái chế cho biết: Phân loại găng tay bẩn, sạch chỉ dựa vào mắt nhìn bình thường. Sau khi phân loại, găng tay sẽ được cho vào túi nilong, mỗi túi nilong chứa 100 chiếc găng tay xếp vào hộp rồi dán tem, không qua bất cứ khâu tẩy rửa, vệ sinh hay một công đoạn khử trùng nào.

Ngăn chặn hành vi trục lợi từ kinh doanh đồ phòng dịchLực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở tập kết găng tay y tế đã qua sử dụng.

Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục đã kiểm tra, giám sát 31 cơ sở sản xuất vật tư y tế, tiến hành xử lý 7 cơ sở kinh doanh vật tư y tế, trong đó phạt hành chính tới 82 triệu đồng. Hiện nay, Tổng cục đã bắt giữ số lượng khoảng trên 53 tấn hàng hóa bao gồm: găng tay cao su, khẩu trang y tế. Tổng cục đang kết hợp với Bộ Công an điều tra nguồn cung cấp các khẩu trang, găng tay y tế này.

Thị trường Việt Nam có khoảng hơn 200 doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phòng chống dịch COVID-19 theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Với nhu cầu gia tăng thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất của Việt Nam đã tăng công suất lến 40- 50%, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, tạo được uy tín của các lô hàng made in Việt Nam.

Những mặt hàng vật tư y tế không đảm bảo chất lượng, vi phạm thương hiệu, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các nhà nhập khẩu sẽ tìm tới những nhà cung cấp khác ở các quốc gia khác. Như vậy, hành vi trục lợi nói trên sẽ khiến cho Việt Nam bị mất thị trường xuất khẩu vô cùng tiềm năng đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn thế giới.

Ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết thêm, trong thời gian tới, Tổng cục tập trung giám sát các Cục QLTT tại 63 tỉnh thành, tăng cường công tác phòng chống hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, gây khan hiếm giả tạo các mặt hàng vật tư y tế nhất là khẩu trang. Theo ông Minh, trên thị trường hiện nay có nhiều địa điểm bán khẩu trang y tế, người mua nên lựa chọn những địa điểm uy tín để mua được hàng có chất lượng tốt, tránh mua phải hàng dởm đã qua sử dụng khiến “tiền mất tật mang”.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn